Chiến lược marketing của Vietjet: Bay là thích ngay
Chiến lược marketing của Vietjet: VietJet là thương hiệu được xếp hạng an toàn hàng không ở mức cao nhất thế giới với mức 7 sao, cũng như từng được trao giải “hãng hàng không giá rẻ tốt nhất 2018-2019”. Tại Việt Nam, ngoài Vietnam Airlines, thì VietJet cũng là một cái tên được nhiều người tiêu dùng biết đến và lựa chọn cho các chuyến hành trình của mình. Vậy điều gì đã tạo nên một thương hiệu VietJet được nhiều người tiêu dùng tin tưởng đến vậy? Chúng ta hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết chiến lược marketing của Vietjet dưới đây.
1. Giới thiệu tổng quan
VietJet tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Hàng không VietJet , tên tiếng Anh: VietJet Aviation Joint Stock Company. Đây là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Không chỉ vận chuyển hàng không, Vietjet còn cung cấp các nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ thông qua các ứng dụng công nghệ thương mại điện tử.
Vietjet được xếp hạng an toàn hàng không ở mức cao nhất thế giới với mức 7 sao bởi Tổ chức uy tín chuyên đánh giá về an toàn và sản phẩm của các hãng hàng không toàn cầu. Trước đó, tổ chức này từng trao giải “Hãng hàng không giá rẻ tốt nhất 2018 – 2019” cho Vietjet Air. Bên cạnh đó, theo tạp chí Airfinance Journal Vietjet nằm trong Top 50 hãng hàng không toàn cầu về hoạt động và sức khỏe tài chính năm 2018. Hiện tại, Vietjet đang khai thác 80 tàu bay A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày, vận chuyển hơn 65 triệu lượt hành khách.
Hãng hàng không này hiện có 105 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và một số đường bay quốc tế như: Nhật bản, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan,… Trong tương lai Vietjet Air mở thêm các đường bay khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Hãng hàng không VietJet được thành lập từ 3 cổ đông chính là Tập đoàn T&C, Sovico Holdings và HD Bank. Sự thành công của VietJet một phần nhờ thiết kế logo độc đáo, ấn tượng, giúp độ nhận diện thương hiệu được nâng cao. Sử dụng gam màu trẻ trung, năng động là đỏ và vàng giúp hình ảnh logo của thương hiệu này thu hút, bắt mắt hơn cả. Hình ảnh thương hiệu mà Vietjet muốn hướng đến khách hàng là một hãng máy bay an toàn, giá rẻ, chất lượng phục vụ tốt, luôn đúng giờ. Nhìn vào logo của Vietjet khách hàng có thể thấy được một thương hiệu trẻ trung, tươi mới và an toàn. Hệ thống chữ VietJet Air được thiết kế sáng tạo, phá cách thành kiểu dáng độc đáo, trở thành điểm nhấn và cũng là yếu tố nhận diện thương hiệu đặc trưng nhất.
・Tầm nhìn và sứ mệnh của Vietjet
Tầm nhìn và sứ mệnh của VietJet là trở thành Tập đoàn hàng không toàn cầu với mạng bay rộng khắp trong khu vực và trên toàn thế giới, không chỉ cung cấp dịch vụ hàng không mà còn cung cấp dịch vụ tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử tiên tiến. Và trở thành một thương hiệu đáng tin cậy và có uy tín cao trong mắt du khách trên toàn thế giới.
Sứ mệnh của VietJet:
- Không ngừng mở rộng mạng đường bay trên toàn quốc, khu vực và toàn cầu
- Mang lại sự đổi mới cho các dịch vụ hàng không.
- Làm cho việc đi lại bằng đường hàng không trở thành hình thức vận chuyển phổ biến nhất cho người Việt Nam và tất cả mọi người trên thế giới.
- Mang lại hạnh phúc và sự hài lòng cho khách hàng bằng cách cung cấp dịch vụ vượt trội cùng nụ cười thân thiện.
Bài viết liên quan:
Chiến lược marketing của Bamboo Airways: Thương hiệu hàng không năm sao
・Mục tiêu của Vietjet
Mục tiêu của VietJet có thể được kể tới như dưới đây:
・Giữ vững vị trí dẫn đầu về lượng khách vận chuyển trong nước và phát triển các đường bay quốc tế một cách vững chắc và hiệu quả
・Nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ mặt đất, dịch vụ Skyboss và khoang hành khách
・Tiếp tục cải tiến, chuẩn hóa và tự động hóa các quy trình tác nghiệp, 100% các hoạt động vận hành dựa trên quy trình tiên tiến. Triển khai hệ thống quản lý rủi ro trong Công ty và các đơn vị thành viên, triển khai toàn diện và đồng bộ chiến lược công nghệ số trong toàn Công ty
・Đảm bảo an toàn khai thác theo Đánh giá an toàn khai thác của IATA (IOSA) với các chỉ số cao nhất trong các hãng hàng không Châu Á Thái Bình Dương; duy trì các tiêu chuẩn chất lượng cho ngành hàng không LCC
・Tổ chức tài trợ máy bay hiệu quả dựa trên các mô hình tiên tiến trên thế giới. Duy trì tỷ lệ tài chính và dự trữ tiền mặt tốt nhất. Tập trung tài trợ máy bay để giảm chi phí thuê và chi phí khấu hao
・Nâng cao năng lực quản lý của các nhà quản lý điều hành. Tiếp tục triển khai các dự án nhân sự chiến lược, phát triển Học viện Hàng không Vietjet
・Giảm chi phí mỗi giờ bay, tăng hiệu quả khai thác
・Quản lý hiệu quả các công ty con và công ty liên kết
2. Chiến lược marketing của các hãng hàng không
Chiến lược marketing của VietJet nhắm tới các khách hàng độ tuổi từ 20-35, có mức thu nhập trung bình, là sinh viên hoặc nhân viên cơ quan/công ty. Đây là tầng lớp Khách hàng có nhiều thời gian rảnh, độc lập, trẻ trung, năng động, thích đi du lịch cùng trải nghiệm những điều mới, thú vị. Đối với đối tượng khách hàng mục tiêu này, các chiến lược marketing của VietJet có thể tập trung mạnh vào nhiều chương trình khuyến mại với các mức giá hấp dẫn. Bởi lẽ, giá thành là một trong những yếu tố quyết định đến lựa chọn cuối cùng của nhóm Khách hàng tiềm năng này.
Ngoài ra, để có thể làm chủ được thị trường và giành được thị phần, VietJet cũng phải vượt qua hai đối thủ cạnh tranh của mình là Vietnam Airlines và Jetstar Pacific Airlines.
・VietnamAirlines
Được thành lập từ năm 1956, Vietnam Airlines là hãng hàng không lớn nhất Việt Nam nhờ sự hỗ trợ cực kỳ to lớn từ phía Chính phủ. Công ty quốc doanh này hiện có 68 máy bay với nhiều kích cỡ khác nhau phục vụ các đường bay trong nước và quốc tế. Giữa năm 2011, Vietnam Airlines chiếm hơn 80% thị phần. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống hơn 70% vào nửa đầu năm 2013. Do chất lượng dịch vụ cao cùng độ nhận diện thương hiệu lớn, Vietnam Airlines có giá trị thương hiệu rất cao đi kèm theo đó là một lượng lớn khách hàng thân thiết.
Vietnam Airline là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam tập trung vào phân khúc hàng không trung cấp và cao cấp. Lợi thế cạnh tranh cốt lõi chủ yếu tập trung cung cấp chất lượng cung cấp dịch vụ. Hãng hàng không duy nhất trong nước được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ 4 sao. Hãng lọt top 10 các hãng hàng không có chỉ số đúng giờ tốt nhất thế giới. Hãng cũng lấn sân vào phân khúc hàng không bình dân giá rẻ (cạnh tranh trực tiếp với Vietjet) bằng cách sở hữu 70% cổ phần hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pracific Airline.
Bài viết liên quan:
Chiến lược marketing của khách sạn Novotel: Thân thiện và hiện đại
・Jetstar Pacific Airlines
Sau khi trải qua quá trình xây dựng lại thương hiệu, Jetstar Pacific Airlines, tiền thân là Pacific Airlines, là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên được cấp phép khai thác tại Việt Nam. Vietnam Airlines là cổ đông lớn nhất của Jetstar với 70% cổ phần, 30% còn lại thuộc về Quantas và một số cổ đông nhỏ.
Jetstar có cùng thị trường mục tiêu với VietJet là những người có thu nhập từ thấp đến trung bình. Mức giá của Jetstar và VietJet được đánh giá là khá tương đồng. Jetstar có mạng lưới đường bay khoảng 33 điểm trong nước và quốc tế. Jetstar Pacific hiện đang khai thác 18 máy bay Airbus A320 và sẽ mở rộng đội bay lên tới 30 chiếc Airbus A320 vào năm 2020. Trong một số thời điểm quá tải, Jetstar phải thuê máy bay ngoài. Điều này tạo ra việc chỗ ngồi không thoải mái cùng một số vấn đề phát sinh. Việc quá tải cũng dẫn đến sự trễ chuyến, hủy chiến hoặc một số vấn đề khác. Năng lực đáp ứng của hãng còn hạn chế.
Đến cuối năm 2012, VietJet đã thay thế Jetstar trở thành nhà cung cấp dịch vụ lớn thứ hai trong lĩnh vực vận tải hàng không trong nước.
・Đối thủ cạnh tranh gián tiếp
Đối thủ cạnh tranh của VietJet còn đến từ sự phát triển và nâng cấp chất lượng ngày càng cao của ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam. Nhiều dịch vụ chất lượng 5 sao được ra đời, đi kèm với việc nâng cấp khoan tàu, thêm dịch vụ đi kèm với mức giá cạnh tranh.
3. Khách hàng mục tiêu của Vietjet Air
Khách hàng mục tiêu của VietJet Air là những bạn trẻ thích khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu những điều mới lạ, với độ tuổi trung bình là 24. Đây là độ tuổi bắt đầu bước chân ra xã hội, có thu nhập ổn định với việc làm, sống xa gia đình và bắt đầu có thể đưa ra các quyết định độc lập.
Khách hàng mục tiêu của VietJet Air thường sống tập trung ở ba thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, với lối sống tích cực, vui vẻ, lạc quan, muốn khẳng định bản thân thông qua những trải nghiệm trong cuộc sống, và những chuyến du lịch chính là một minh chính rõ ràng và dễ công khai cho nhiều người biết.
4. Chiến lược marketing 7P của VietJet
Chiến lược marketing 7P của VietJet Air phân tích chiến lược marketing mix gồm 7 yếu tố của thương hiệu.
・Chiến lược về sản phẩm (Product)
Đối với chiến lược sản phẩm của VietJet, thương hiệu đã sử dụng chiến lược sản phẩm với đa dạng dịch vụ cùng giá trị đi kèm, nhằm đáp ứng và thỏa mãn tối đa nhu cầu của Khách hàng.
VietJet luôn mang lại cơ hội đi máy bay với chi phí tiết kiệm, cùng các dịch vụ bay an toàn, thân thiện và sang trọng cho người dân & khách quốc tế Việt Nam. Trong số các đường bay mới mở, VietJet ưu tiên mở các đường bay quốc tế. Tính đến tháng 9/2017, Vietjet đã mở 12 đường bay quốc tế trong khi chỉ mở thêm 2 đường bay nội địa. Hiện tại, trong tổng số 76 đường bay của Vietjet, có tới 38 đường bay quốc tế chiếm 50% tổng số đường bay với tổng số giờ bay nội địa nhiều hơn như Trung Quốc và Indonesia.
Ngoài ra cũng phải kể đến điểm cốt lõi trong chiến lược sản phẩm của VietJet Air là hãng nhắm tới việc phục vụ nhu cầu di chuyển và đi lại một cách nhanh chóng của Khách hàng. Để làm được điều này, VietJet đã mở rộng các tuyến đường bay nội địa với hơn 37 đường bay, 30 chiếc Airbus A320-200s và 11 chiếc Airbus A321-200s cùng các dịch vụ check-in online, ứng dụng đặt vé và thanh toán online ngay trên điện thoại di động. Hơn nữa, VietJet Air cũng có các dịch vụ đi kèm như dịch vụ trên chuyến bay, dịch vụ vận chuyển hàng hóa/hành lý, dịch vụ đặc biệt, dịch vụ Skyboss, bảo hiểm du lịch VietJet TravelCare, bảo hiểm chỗ ngồi…
Vietjet Air đang làm việc với các nhà bán lẻ (như Walmart) để đa dạng hóa các mặt hàng kinh doanh phụ trợ. Đối với các chuyến bay quốc tế đường dài (trên 12 giờ bay), Vietjet Air đã ký kết với Japan Airlines và đang thảo luận với các hãng hàng không Hàn Quốc và Mỹ.
Ngoài ra, VietJet cũng có dự định mở đường bay đến Mỹ. Vietjet muốn tham gia vào phân khúc này, sẽ phải tìm cách phục vụ khác biệt, bù đắp những khoản đắt đỏ, như cung cấp dịch vụ cho sân bay địa phương ở San Jose hay Orange County, California – nơi có đông người Việt sinh sống.
・Chiến lược giá của VietJet (Price)
Chiến lược giá của Vietjet là chiến lược vé giá rẻ, chiêu thức cạnh tranh đặc biệt để thu hút Khách hàng. Để có thể làm được như vậy, VietJet đã tối ưu hóa chi phí với 3 hạng vé: Skyboss, Eco và Promo.
- Promo là hạng vé có mức giá khuyến mãi.
- Eco là hạng vé tiết kiệm thông thường, có mức giá phù hợp với những người có thu nhập khá trở lên.
- Skyboss là hạng vé có mức phí cao nhất với những ưu đãi tương ứng.
Mỗi hạng vé có những ưu đãi khác nhau và một số quy định hạn chế tương ứng. Ngoài ra, Vietjet còn có chính sách phụ thu với nhiều mức khác nhau cho từng dịch vụ, loại vé khác nhau. Hiện hãng hàng không Vietjet Air chỉ khai thác dòng máy bay thân hẹp A320 và A321. Đây là dòng tàu bay phục vụ các đường bay ngắn (5-6 giờ bay), giúp Vietjet Air có thể thực hiện nhiều chuyến khứ hồi, khứ hồi trong ngày, giảm chi phí vận hành và ăn ở cho đội bay. Đây cũng là loại máy bay tiên tiến nhất, có tuổi đời trẻ (3,3 năm), giúp Vietjet tiết kiệm tối đa chi phí nhiên liệu (15%).
Ngoài ra, một lý do nữa có thể kể tới trong chiến lược giá của VietJet là việc Khách hàng có thể đặt chỗ và mua vé trực tuyến. Đây là phương thức không chỉ VietJet mà rất nhiều thương hiệu hàng không nội địa cũng áp dụng nhằm tối ưu hóa được chi phí nhân sự và chi phí hoạt động.
・Kênh phân phối của Vietjet (Place)
Vietjet Air là hãng hàng không giá rẻ, tập trung vào phân khúc khách hàng trẻ, năng động và những người lần đầu đi máy bay, người có thu nhập trung bình. Khách hàng thông thạo công nghệ và Internet như smartphone, email, mạng xã hội, các phương thức thanh toán trực tuyến: visa, master card,… và có sở thích khám phá, du lịch thường xuyên với mức chi phí phù hợp.
Với tầm nhìn trở thành một thương hiệu được nhiều người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng, VietJet đang ngày càng mở rộng các kênh phân phối của mình. Khách hàng khi muốn mua vé của VietJet có thể đặt vé qua hai hình thức Online và Offline.
Với hình thức online, Khách hàng có thể đặt thông qua website chính thức của VietJet (https://www.vietjetair.com/) hoặc ứng dụng trên điện thoại. Đối với hình thức offline, Khách hàng sẽ có hai hình thức lựa chọn, hoặc là trực tiếp, hoặc là gián tiếp. Đối với sự lựa chọn trực tiếp, Khách hàng có thể tới văn phòng của VietJet hoặc kết nối trực tiếp thông qua điện thoại. Đối với sự lựa chọn giá tiếp thì là các đại lý bán vé hoặc quầy lễ tân của Khách sạn.
Ngoài ra, VietJet cũng đa dạng hóa hình thức thanh toán của mình thông qua việc thanh toán trên website bằng thẻ tín dụng Master Card, Visa.., bằng thẻ ghi nợ nội địa qua cổng NAPAS, hoặc thanh toán bằng cách quét QR trên Mobile Banking, ví điện tử Momo, thanh toán trực tiếp tại các phòng vé của Vietjet, các điểm thu hộ tại Ngân Hàng HDBank, ABBank, Hệ thống bưu điện VNPOS…
Hơn nữa, để tăng thêm tính linh hoạt cho Khách hàng, VietJet cũng có chương trình thanh toán bay trước trả tiền sau với thủ tục gồm bốn bước đơn giản.
・Chiến lược quảng cáo tiếp thị (Promotion)
Với mục tiêu cung cấp các chuyến bay giá rẻ nội địa và quốc tế, Vietjet Air thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mãi khủng nhằm tri ân hành khách của mình. Đặc biệt là vào thời điểm cuối năm, thời điểm đoàn tụ, họp mặt được mong ngóng nhất của mọi nhà khi tất cả thành viên đều quay trở lại gia đình để sum họp.
Với khẩu hiệu “Bay là thích ngay”, Vietjet mang đến cho hành khách trải nghiệm bay giá rẻ, bay với giá vé 0 đồng, với dịch vụ tốt, đội bay trẻ trung, năng động, mang đến cho hành khách nhiều điều thú vị trên chuyến bay. Cùng với nhiều chiến lược marketing của VietJet có tên gọi: “chuyến bay 0đ”, đi kèm với đó là nhiều sự kiện khuyến mại khác như “chào hè rực rỡ”, “vui hè vui cùng VietJet”, “săn vé ngày Tết”… VietJet cũng có nhiều chương trình quảng cáo khuyến mại trong tuần lễ vàng với ưu đãi hàng triệu vé đẹp giá chỉ 2.020 đồng / vé, trên tất cả các chặng bay khởi hành từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam trong những ngày Tết.
Thật sự có thể nói rằng, VietJet đang từng bước tiến lại gần người tiêu dùng Việt trong công cuộc chinh phục thị trường hàng không vé giá rẻ.
Không chỉ có hành trình bay cực rẻ, VietJet còn có những phần quà hấp dẫn cùng các chương trình khuyến mại không kém phần hấp dẫn. Ví dụ có thể kể tới là chiến dịch quảng cáo “Bay cao, rinh xe, vui mùa lễ hội, Let’s Vietjet!” với giải thưởng là một chiếc xe oto Vinfast. Ngoài ra có thể kể tới rất nhiều chương trình khuyến mại và quảng cáo của VietJet như khuyến mãi 1.000.000 vé 0 đồng, bay khắp Châu Á triệu vé 0Đ cùng Vietjet, Ohayo thứ Bảy bay Nhật Bản 0 đồng, vé máy bay Hà Nội đi Bangkok 9,000 VND, mừng 8-3 bay thả ga trên khắp châu Á, bay vui cùng một nửa yêu thương…
・Chiến lược về con người (People)
Với kinh nghiệm và chuyên môn sẵn có, Vietjet đào tạo những nhân viên phù hợp với tiêu chuẩn ngành hàng không từ các trường đại học, cao đẳng và và các tổ chức đào tạo hàng không chuyên môn trong và ngoài nước.
- Đồng phục: với sự nổi bật của áo đỏ và quần sooc kẻ caro mới lạ mang đến cảm giác mới mẻ, không gian năng động, trẻ trung. Được thiết kế từ châu Âu dựa trên ý tưởng đồng phục của thiếu sinh quân trong đội vệ quốc quân năm xưa, với mũ calô, áo đỏ, quần soóc carô trẻ trung, năng động, đội ngũ tiếp viên của hãng luôn tràn đầy khát vọng, sức trẻ, sẵn sàng chinh phục bầu trời Việt Nam và quốc tế.
- Giá trị cốt lõi: An toàn – Vui vẻ – Giá rẻ – Đúng giờ
- Văn hóa Vietjet: An toàn và chất lượng, trung thực, đổi mới, cảm hứng, chăm chỉ, tràn đầy năng lượng, vui vẻ, mạnh mẽ và năng động.
Bài viết liên quan:
Chiến lược marketing của khách sạn Mường Thanh
・Chiến lược cơ sở hạ tầng (Physical Evidence)
Tính đến cuối tháng 12 năm 2016, Vietjet có tổng cộng 41 máy bay bao gồm 30 chiếc Airbus A320- 200s và 11 chiếc Airbus A321-200s. Tuổi thọ trung bình của những máy bay này là 3,03 năm, mỗi máy bay có 180-230 ghế với thiết kế phù hợp với mô hình kinh doanh hàng không giá rẻ.
Với mục tiêu trở thành hãng hàng không thế hệ mới, mang phong cách an toàn, thân thiện và vui tươi, VietJet đã và đang cố gắng trang bị những trang thiết bị mới với tuổi thọ trung bình dưới 3 tuổi, thiết kế hình cờ Tổ quốc trên thân máy bay, cùng hình ảnh các nữ tiếp viên trẻ trung xinh đẹp đi kèm nụ cười thân thiện.
Ngoài ra, VietJet là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam và một số ít trong khu vực sở hữu dòng máy bay Sharklet A320 hiện đại, mới nhất của Airbus. Tính đến tháng 5/2019, Vietjet đang thực hiện hơn 400 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển hơn 80 triệu lượt hành khách, với 113 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến từ Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, hàng Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia…
・Chiến lược quy trình (Process)
Dịch vụ làm thủ tục trực tuyến là dịch vụ cung cấp cho khách việc tự làm thủ tục lên máy bay từ bất cứ thiết bị nào có nối mạng internet và kết nối được với website của Vietjet. Hành khách làm thủ tục trực tuyến có thể tự lựa chọn chỗ ngồi trên chuyến bay và các dịch vụ khác. Hệ thống làm thủ tục trực tuyến nhằm tạo sự thuận tiện cho hành khách khi đi trên các chuyến bay của Vietjet.
Hiện tại, việc làm thủ tục trực tuyến chỉ áp dụng cho các chuyến bay nội địa xuất phát từ 3 sân bay: Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng.
Khi đã hoàn tất việc làm thủ tục trực tuyến, hành khách chỉ cần thực hiện các thủ tục gửi hành lý (nếu có), in thẻ lên máy bay, qua cửa kiểm tra an ninh, vào phòng chờ và lên máy bay.
Hành khách tự làm thủ tục trực tuyến bằng ứng dụng Vietjet Air trên thiết bị di động (mobile app) có thể sử dụng thẻ lên máy bay từ thiết bị di động, không cần in thẻ lên máy bay.
5. Phân tích SWOT của VietJet
・Điểm mạnh của VietJet (Strengths)
1/ Mức tăng trưởng thị phần cao theo từng năm
Một trong những điểm mạnh đầu tiên của VietJet là mức tăng trưởng thị phần nhanh chóng qua từng năm. Mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2011 nhưng Vietjet đã trở thành hãng hàng không nội địa lớn nhất với 42% thị phần. Công ty báo lãi liên tục kể từ năm 2013. Thương hiệu VietJet cũng là thương hiệu được nhiều người tiêu dùng ưa thích với độ nhận diện lên tới 96%, cùng độ hài lòng là 88%, cũng như với mạng lưới hơn 1300 đại lý bán lẻ.
2/ Chi phí bình quân thấp
Điểm mạnh thứ hai của Vietjet là có chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm thuộc hàng thấp nhất châu Á cũng như thế giới. Vietjet Air định dạng theo mô hình hàng không chi phí thấp (Low Cost Carrier – LCC), hay còn gọi là hàng không giá rẻ. Nguyên tắc cơ bản của mô hình này là giảm thiểu tất cả chi phí bay để bảo đảm giá vé được rẻ nhất, trong đó nhân tố chính là đội bay phải hoạt động liên tục (quay vòng máy bay nhanh), giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu (như thu phí với hành lý tăng thêm, giảm lượng chở thực phẩm và giải trí…).
3/ Hoạt động marketing hướng tới Khách hàng
Thương hiệu Vietjet nổi tiếng bởi các hoạt động marketing mạnh mẽ, đánh đúng tâm lý của khách hàng mục tiêu. Với hệ thống bán vé mở rộng trên toàn quốc, Khách hàng có thể mua vé của VietJet ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời điểm nào.
Ngoài ra, với mục tiêu cung cấp các chuyến bay giá rẻ nội địa và quốc tế, Vietjet Air thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mãi vé máy bay Vietjet khủng nhằm tri ân hành khách của mình.
・Điểm yếu của Vietjet (Weaknesses)
1/ Chiến lược mở rộng thị trường
Ngay từ những năm đầu hoạt động, Vietjet đã đàm phán với các đối tác liên doanh tiềm năng để thành lập hãng hàng không giá rẻ tại các thị trường châu Á khác. Tuy nhiên, một số đã không thành hiện thực, và liên doanh duy nhất được thành lập (ở Thái Lan) gặp rất nhiều trở ngại.
Thai Vietjet được thành lập vào năm 2013 nhưng mới bắt đầu hoạt động từ tháng 9 năm 2016. Ban đầu hãng đã bị trì hoãn một năm trước khi khai trương chuyến bay thuê bao vào cuối năm 2014, và một lần nữa. Sẽ tiếp tục mất 2 năm nữa để được chấp thuận đưa đường bay vào khai thác.
2/ Chiến lược vé giá rẻ
Giá vé máy bay ở Việt Nam vốn đã rất thấp, một phần do quy định của Chính phủ, thậm chí còn thấp hơn khi Vietjet gia nhập thị trường. Hệ thống thương mại và phân phối còn yếu ở nước ngoài. Thị trường trong nước (khách du lịch đến Việt Nam) lớn hơn nhiều so với thị trường đi (khách du lịch ra nước ngoài). Nhưng việc xây dựng thương hiệu và phát triển mạng lưới phân phối ở thị trường nước ngoài sẽ vô cùng tốn kém và nhiều thách thức. Vietjet sẽ cần phụ thuộc nhiều hơn vào GDS, vốn rất tốn kém.
3/ Chi phí bảo dưỡng
Chi phí bảo dưỡng của Vietjet sẽ tăng lên đáng kể theo thời gian, cùng với chi phí thuê máy bay và chi phí nhiên liệu. Chi phí cao hơn, cũng như áp lực lạm phát đối với tiền lương, giảm giá VND và cắt giảm chi phí đơn vị do hãng hàng không tập trung vào việc tăng quy mô đội bay trung bình, dường như chỉ là bù trừ lẫn nhau.
Bài viết liên quan:
Ma trận swot của khách sạn Marriott
・Cơ hội của Vietjet (Opportunities)
1/ Nhu cầu du lịch và vận chuyển nội địa tăng
Nhu cầu vận chuyển hàng không nội địa ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hành khách nội địa vào năm 2016 đạt 28 triệu lượt khách, tăng 30% so với năm trước. Hiện nay, ngành hàng không Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, đưa Việt Nam trở thành một thị trường đầy tiềm năng trong ngành này. Xu hướng sử dụng các hãng máy bay hàng không giá rẻ lên ngôi. Trong năm 2016, có 16 triệu lượt khách sử dụng hãng hàng không giá rẻ, chiếm gần 55% tổng lượt hành khách vận chuyển trên đường bay quốc nội. Thu nhập của người dân Việt Nam tăng.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tăng 6,81%, thu nhập bình quân đầu người ước 53,5 triệu đồng/năm (tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016). Cùng với nhu cầu vận chuyển hàng không nội địa tăng mạnh, lưu lượng hoạt động bay ngày càng tăng. Chính phủ đã và đang thực hiện các chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không tăng cao. Việt Nam đang nổi lên là 1 điểm du lịch được ưa thích, số lượt khách đã vượt mốc 10 triệu trong năm 2016, tăng 26% so với năm trước. 9 tháng đầu năm 2017 con số tiếp tục tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái lên 9,5 triệu lượt. Con số này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010 và có khả năng sẽ tiếp tục tăng gấp đôi trong vài năm tới.
Xu hướng này được dự báo sẽ còn kéo dài. Đây chính là cơ hội cho VietJet. Hiện hãng đã có các chuyến bay đều đặn tới Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan và Campuchia. Trung Quốc nơi mà nguồn khách du lịch lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất. Hơn nữa, vị trí địa lý của Việt Nam rất thuận tiện cho việc vận chuyển hành khách đi từ Đông Nam Á tới Đông Bắc Á. Chuyến bay liên danh Vietjet quan tâm đến các chuyến bay liên danh. Việc bán các chuyến bay thông qua các hãng hàng không khác sẽ giúp Vietjet có cơ hội mở rộng mạng bay ra ngoài khu vực Đông Á.
Ít nhất trong thời gian tới, Vietjet vẫn có kế hoạch sử dụng đội tàu bay thân hẹp và hy vọng có cơ hội mở bán các chuyến bay đường dài của các hãng hàng không khác. Việt Nam cũng là nước đang phát triển nên hãng hàng không giá rẻ được nhiều người lựa chọn và sẵn sàng chi trả hơn.
・Thách thức của Vietjet (Threats)
1/ Môi trường cạnh tranh khốc liệt
Môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi các hãng hàng không hàng đầu Đông Nam Á và có quy mô lớn như AirAsia và Lion đều đang có kế hoạch lập các chi nhánh ở Việt Nam. Ngoài ra, VietStar là một hãng hàng không nội địa khác đang đợi được cấp phép được cấp phép. Nhiều hãng hàng không giá rẻ cũng nhìn được tiềm năng thị trường nước ta và lăm le nhảy vào. Sau khi tăng trưởng 20% – 30% trong giai đoạn 2012 – 2016, thị trường hàng không Việt Nam đã chứng kiến giai đoạn giảm tốc.
Tăng trưởng ở thị trường nội địa suy giảm sẽ tạo ra sức ép buộc VietJet phải dựa nhiều hơn vào thị trường quốc tế vốn không hề dễ dàng. Bên cạnh đó tăng trưởng nhu cầu du lịch nội địa hiện cao gấp 4-5 lần tăng trưởng GDP là 1 tỷ lệ không bền vững.
2/ Sự quá tải của các sân bay lớn
Sân bay Tân Sơn Nhất và các sân bay lớn đang hoạt động quá tải. Tình trạng quá tải sân bay gây khó khăn khi muốn mở thêm nhiều chặng bay cũng như tần suất bay. Với số lượng đường băng và chỗ đậu tại sân bay rất hạn chế, đặc biệt trong giờ cao điểm. Các thang lên tàu bay không đủ để hỗ trợ các chuyến bay ở qua đêm, buộc các hãng hàng không phải để máy bay ở các thành phố khác.
Những hạn chế về cơ sở hạ tầng trong nhiều năm sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Vietjet. Tăng trưởng trong nước chậm lại sẽ gây áp lực lên Vietjet, buộc họ phải dựa chủ yếu vào thị trường quốc tế đầy thách thức. Vietjet còn gặp tình trạng đặt hàng dư thừa với số lượng gần 200 máy bay do hạn chế về cơ sở hạ tầng và thị trường nội địa tăng trưởng chậm lại.
3/ Cạnh tranh gián tiếp đến từ đối thủ bên ngoài
Ngoài dịch vụ vận chuyển đường hàng không thì khách hàng có xu hướng sử dụng các phương tiện giao thông như tàu lửa, xe khách phục vụ cho nhu cầu đi lại của mình. Các loại hình này ngày càng cải thiện chất lượng và giá tương đối thấp. Khả năng tăng trưởng trong nước chậm lại là đặc biệt đáng lo ngại, vì sự cạnh tranh, kể cả từ các doanh nghiệp mới thành lập, sẽ gia tăng đáng kể.
Các tập đoàn hàng không hàng đầu Đông Nam Á như AirAsia và Lion đang nhắm đến việc mở chi nhánh mới tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cần cảnh giác với các đối thủ sắp tới như VinpearlAir, Bamboo Airway,…
Xem thêm các bài viết về chiến lược marketing tại link.
6. Lời kết
Chiến lược marketing của VietJet với phân tích về chiến lược marketing mix 7P cùng phân tích SWOT của thương hiệu nhằm lý giải nguyên nhân vì sao VietJet là thương hiệu hàng không, tuy mới được thành lập nhưng rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong những năm tới, ngoài VietJet, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều thương hiệu mới, gương mặt mới trong ngành hàng không, vậy nên, VietJet cần có những bước chuẩn bị cho tương lai đầy cửa ải chông gai nhưng cũng rất tiềm năng phía trước.