bamboo-airways-marketing-strategy

Chiến lược marketing của Bamboo Airways: Bamboo Airways là một hãng hàng không thuộc tập đoàn FLC có trụ sở chính đặt tại Hà Nội. Nhắc tới hàng không, chắc chắn hầu hết mọi người đều nghĩ tới đều nghĩ tới Vietnam Airlines. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu vì Vietnam Airlines đã có mặt trên thị trường hàng không gần 30 năm (1993) trong khi Bamboo Airways chỉ mới được ra đời khoảng 5 năm về trước (2017). Vậy điều gì là sức mạnh để Bamboo Airways có thể tự tin cạnh tranh với thương hiệu “anh cả” trong làng hàng không? Chúng ta hãy thử tìm hiểu trong bài viết về chiến lược marketing của Bamboo Airways dưới đây.

1. Giới thiệu về Bamboo Airways 

Bamboo Airways là một hãng hàng không Việt Nam thuộc tập đoàn FLC – một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam, điều hành và hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khai khoáng, đầu tư tài chính, bất động sản… Bamboo Airways ban đầu có vốn điều lệ là 700 tỷ đồng, sau đó được FLC tiếp thêm và tăng vốn điều lệ lên thành 7000 tỷ đồng vào tháng 5 năm 2020. 

Bamboo Airways có chuyến bay đầu tiên vào ngày 16/01/2019 với mục đích phục vụ các chuyến bay nội địa kết nối với địa phương có khu nghỉ mát của FLC cũng như các chuyến bay quốc tế. Bamboo Airways cũng là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo báo cáo kinh doanh tháng 7 năm 2018 của FLC, tập đoàn này đặt mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng không tại Việt nam và Bamboo Airways chính là một trong những kế hoạch kinh doanh trọng yếu của tập đoàn trong lĩnh vực này. 

Bamboo Airways có trụ sở chính đặt tại sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đây là hãng hàng không hybrid đầu tiên tại Việt Nam với mô hình dịch vụ bay giá rẻ bằng máy bay chất lượng cao, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng với nhiều ưu đãi. Đặc biệt khi kết hợp cùng thời điểm du lịch với các dịch vụ như nghỉ dưỡng hoặc kết hợp với nhiều chuyến bay liên tiếp. 

bamboo-airways-marketing-strategy

Chiến lược marketing của Bamboo Airways (Nguồn: Bamboo Airways)

・Ý nghĩa logo và màu sắc của Bamboo Airways 

Được lấy cảm hứng từ hình tượng cây tre, bầu trời và sắc xanh dương nhẹ của biển cả, bộ nhận diện thương hiệu của Bamboo Airways mang ý nghĩa tượng trưng cho bản sắc và niềm tự hào dân tộc. 

Logo của Bamboo Airways có hình tượng của cây tre, tượng trưng cho sự hiên ngang và kiên cường cùng gió bão. Với hình ảnh đẹp của cây tre, Bamboo Airways mong muốn tạo nên nhiều cảm xúc đặc biệt cho khách du lịch, cả Việt Nam và bạn bè thế giới về hình tượng mảnh đất và con người Việt nam. 

Màu sắc của Bamboo Airways có màu chủ đạo là màu xanh lá, tượng trưng cho màu xanh của cây tre, biểu tượng cho sức sống và văn hóa Việt và màu xanh dương, tượng trưng cho bầu trời và mặt biển, biểu tượng cho khao khát vươn tới chân trời mới. 

Bamboo Airways của tập đoàn nào?

Bamboo Airways là của tập đoàn FLC, có trụ sở chính tại Hà Nội và đăng ký kinh doanh tại Bình Định.

Hãng hàng không Bamboo của nước nào?

Hãng hàng không Bamboo là một hãng hàng không của Việt Nam. Đây là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam theo đuổi mục tiêu cung cấp dịch vụ hàng không định hướng chuẩn quốc tế.

2. Đối thủ cạnh tranh của Bamboo Airways

Đối thủ cạnh tranh của Bamboo Airlines có thể kể đến như Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjet Air, Pacific Airlines, Vasco, Vietravel Airlines… Tại thị trường nội địa, Vietnam Airlines và Jetstar chiếm 38%, Vietjet chiếm 36% thị phần trong khi Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vasco và Vietravel Airlines lần lượt chiếm 17%, 5%, 3% và 1% (Số liệu nửa đầu năm 2022).

Trong thời gian đại dịch COVID hoành hành từ năm 2020-2022, không chỉ Bamboo Airways mà các hãng hàng không nội địa đều phải gặp khó khăn khi nhu cầu đi lại của người dân giảm hẳn. Không chỉ có thế, trong thời gian gần đây, với tình hình chính trị và thế giới diễn ra rất căng thẳng, Bamboo Airways cũng gặp rất nhiều khó khăn khi chiến tranh Nga và Ukraine khiến giá xăng dầu tăng mạnh cùng biến động tỷ giá trên nhiều thị trường quốc tế.

Các bài viết liên quan:

Chiến lược marketing của Vietjet: Bay là thích ngay

Chiến lược kinh doanh của Bamboo Airways – Cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ

3. Thị trường mục tiêu của Bamboo Airways 

Đối tượng khách hàng của Bamboo Airways là thế hệ thiên niên kỷ  (Gen Y, hay còn gọi là Millennials, chỉ những người được sinh ra trong khoảng từ năm 1981 đến năm 1996) và những gia đình có mức thu nhập trung bình trở lên. Thị trường mục tiêu của Bamboo Airways nhắm tới là những người thường xuyên tiếp cận với truyền thông, cập nhật thông tin nhanh chóng. Chính vì vậy, các ưu đãi dịch vụ của Bamboo Airways dành cho khách hàng đều được đánh giá là tạo nên sự khác biệt của thương hiệu so với các đối thủ cạnh tranh. 

Ngoài ra, Bamboo Airways cũng ưu tiên áp dụng tiếp thị ngách, tập trung vào phân khúc thị trường nhỏ, ưu tiên bay thẳng các đường bay nội địa và quốc tế, nhất là các thành phố có hạ tầng hàng không phát triển. Bamboo Airways tập trung vào chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm, tối đa hóa lợi ích thông qua các dịch vụ đa dạng cùng khuyến mãi hấp dẫn. 

bamboo-airways-marketing-strategy

Chiến lược marketing của Bamboo Airways (Nguồn: Bamboo Airways)

4. Chiến lược marketing 4P của Bamboo Airways

・Định hướng của Bamboo Airway

Định hướng của Bamboo Airways là xác định theo đuổi mục tiêu cung cấp dịch vụ hàng không định hướng chuẩn quốc tế. Với mục tiêu này cùng với sứ mệnh kết nối các vùng đất du lịch trên dải đất hình chữ S, Bamboo Airways đã hợp tác với các thương hiệu hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực hàng không và xây dựng chính sách vé cực kỳ đa dạng, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân. Các hạng vé mà Bamboo Airways cung cấp có thể kể đến như Bamboo Economy, Bamboo Premium, Bamboo Business. 

Không những thế, Bamboo Airways còn có một hướng đi được cho là rất khác biệt, đó là “Giảm giá không phải là tất cả”. Nếu như các thương hiệu “hàng xóm” như Vietnam Airlines, VietJet Air hay các hãng vé giá rẻ đồng loạt mở bán khuyến mại vé máy bay chỉ từ 0 VND, 1.600.000 VND, 1.800.000 VND thì Bamboo Airways lại kết hợp song hành, vừa khuyến mãi giảm giá vé cũng như phát triển combo nghỉ dưỡng cao cấp. 

Một số ưu đãi giảm giá của hãng có thể kể đến như “Bay Bamboo vô tư thứ tư hàng tuần”, hay “mua 1 tặng 1, không giới hạn thẻ bay”. Ngoài ra, các combo vé máy bay và phòng khách sạn FLC còn mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm đẳng cấp với chất lượng dịch vụ vượt trội như: Chuyển nhà đi biển, Thuê villa nguyên tháng – tiết kiệm đến 80%, Home xa nhà, Combo nghỉ dưỡng an toàn chỉ từ 1.690.000 VND. Tất cả các ưu đãi trên, Bamboo Airways tập trung vào chất lượng và sự tiện lợi cho khách hàng, làm nổi bật chiến lược cạnh tranh khác biệt “Giảm giá không phải là tất cả”. 

Ngoài ra, việc theo đuổi mục tiêu cung cấp dịch vụ hàng không định hướng chuẩn quốc tế của Bamboo Airways còn thể hiện ở việc lựa chọn nội thất cho máy bay. Bởi vì Bamboo Airways tin rằng, mọi chi tiết dù là nhỏ nhất trong nội thất đều có thể tạo nên sự khác biệt cho hành khách. Chính vì vậy, từ việc lựa chọn màu sắc, kiểu ghế, chất liệu vải da cho đến thiết kế không gian trong khoang hành khách, Bamboo Airways đều nỗ lực phục vụ để tạo cảm giác thoải mái, tiện nghi tốt nhất cho khách hàng trong mọi chuyến bay. 

・Sản phẩm của Bamboo Airways

Sản phẩm của Bamboo Airways được xây dựng dựa trên thế mạnh là các khu du lịch nghỉ dưỡng của tập đoàn FLC nên có định hướng là sản phẩm hàng không và du lịch. Dựa vào đó, Bamboo Airways sẽ kết nối đường bay trực tiếp từ Hà Nội, Quy Nhơn, Quảng Bình với tới thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Với chiến lược này, các đường bay của Bamboo Airways sẽ không ảnh hưởng tới các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, dễ dàng đưa thẳng Khách hàng tới các địa điểm du lịch tiềm năng của Việt Nam mà không mất chi phí và thời gian trung chuyển. Đây thực sự là một chiến lược sản phẩm rất khôn khéo mà Bamboo Airways đưa ra, tập trung khai thác các chuyến bay mà các hãng hàng không khác không khai thác. 

bamboo-airways-marketing-strategy

chiến lược marketing của Bamboo Airways

Sản phẩm của Bamboo Airways cũng bao gồm ba hạng vé chính, phục vụ mọi nhu cầu đi lại của Khách hàng từ đơn giản tới phức tạp. 

1/ Hạng vé Bamboo Eco 

Hạng vé Bamboo Eco của Bamboo Airways dành cho các hành khách có nhu cầu đi lại bằng các chuyến bay ngắn, dưới 2 tiếng. Với khách hàng không có nhu cầu ký gửi hành lý, hạng vé Bamboo Eco của Bamboo Airways sẽ giúp Khách hàng tiết kiệm khoản chi phí ký gửi nhưng vẫn nhận được đầy đủ các dịch vụ của hàng không thông thường. Hạng vé Bamboo Eco thích hợp cho những Khách hàng muốn tiết kiệm tối đa chi phí. 

Có bốn loại giá vé Economy bao gồm: Economy Saver Max, Economy Saver, Economy Smart, Economy Flex. Đối với hạng vé Economy phổ thông, khách hàng sẽ được hưởng ưu đãi miễn phí 7kg hành lý xách tay cũng như một xuất đồ ăn, đồ uống miễn phí trong quá trình bay. 

  • Economy Saver Max cho phép hành khách bay với 7kg hành lý xách tay cùng xuất ăn nhẹ trong quá trình bay. 
  • Economy Saver tặng thêm các tiện ích lớn hơn so với Economy Saver Max như đổi vé, đổi tên, tích điểm, 20kg hành lý ký gửi. 
  • Economy Smart bao gồm các ưu đãi của Economy Saver nhưng có thêm quyền lợi về hoàn vé và tích điểm Bamboo Club 0.50
  • Economy Flex tăng thêm tiện ích ghế ngồi cũng như tích điểm Bamboo Club 1.00 so với Economy Smart. 

2/ Hạng vé Bamboo Plus 

Hạng vé Bamboo Plus giúp Khách hàng có những trải nghiệm tốt hơn, với nhiều hành lý cũng như các dịch vụ giải trí tiện nghi trong quá trình di chuyển. Đặc biệt, tuy có mức giá vừa phải nhưng hạng vé này chắc chắn sẽ khiến khách hàng phải hài lòng khi những món ăn được phục vụ ở khoang này đều được chế biến bởi những đầu bếp dày dặn kinh nghiệm để đảm bảo những bữa ăn hoàn hảo nhất. 

Hạng vé này được chia thành hai loại là Premium Smart và Premium Flex. 

  • Premium Smart bao gồm nhiều tiện ích như ghế ngồi, hoàn vé, đổi vé, đổi tên, hành lý ký gửi, suất ăn, tích điểm Bamboo Club 1.25
  • Premium Flex bao gồm các tiện ích của Premium Smart nhưng tặng kèm khách hàng quyền ưu tiên làm thủ tục để thoát khỏi cảnh đợi chờ, xếp hàng làm thủ tục mất nhiều thời gian. 

3/ Hạng vé Bamboo Business 

Bamboo Business là hạng vé hạng business với hai loại là Business Smart và Business Flex. Khách hàng khi mua vé Bamboo Business sẽ được tận hưởng chuyến bay trên các loại ghế có thể ngả ra sau 180 độ, tạo thành một chiếc giường có chế độ massage thoải mái, dành cho các chuyến bay dài kèm các tiện ích tiện lợi. Bên cạnh đó, các chế độ dịch vụ của hạng Bamboo Business còn có nhiều dịch vụ đi kèm như hành lý, ăn uống, giải trí… đều được tính toán kỹ để đáp ứng nhu cầu của hành khách tại khoang business. Ví dụ như hành khách sẽ được miễn phí 2 kiện hành lý xách tay 7kg, hành lý ký gửi lên tới 30kg, miễn phí suất ăn, được ngồi chờ ở phòng VIP, có xe đưa đón và có lối đi ưu tiên trong máy bay. 

・Giá cả của Bamboo Airways 

Chiến lược giá cả của Bamboo Airways có tính linh hoạt cao, tùy theo lựa chọn của khách hàng đối với từng dịch vụ bay, kèm theo các mức giá từ bình dân tới cao cấp. 

Với điểm nhấn trong chiến lược marketing của Bamboo Airways về thị trường ngách, hướng tới hàng không và du lịch, Bamboo Airways đưa ra mức giá tầm trung phù hợp với phần lớn thu nhập của khách hàng Việt. Ngoài ra, Bamboo còn phân giá theo các cấp độ khách hàng cùng với chính sách giảm giá và ưu đãi dành cho người khiếm thính, phụ nữ có thai và trẻ em… 

Một điểm nhấn trong chiến lược giá cả của Bamboo Airways nằm ở công đoạn tích điểm. Thông qua việc mua vé và sử dụng dịch vụ của Bamboo Airways, Khách hàng có thể được tham gia vào hệ thống hội viên của Bamboo với ưu đãi tích điểm đối với tất cả các hạng bay. 

Với mô hình Hybrid linh hoạt, có thể nói Bamboo Airways đã thành công trong việc tạo lập hãng bay “Chất lượng 5 sao, giá cả 3 sao” – giá cả rẻ nhưng dịch vụ chất lượng.  

bamboo-airways-marketing-strategy

Chiến lược marketing của Bamboo Airways (Ảnh minh họa)

・Phân phối của Bamboo Airways 

Kênh phân phối của Bamboo Airways rất đa dạng từ các cơ sở đại lý phòng vé, bán vé trực tiếp tại sân bay và bán online, hợp tác với các đại lý phòng vé cả online và offline. Không chỉ có các kênh phân phối ở nội địa mà Bamboo Airways còn có các đại lý tại nước ngoài. 

Để có thể mua vé của Bamboo Airways, khách hàng có thể mua vé trực tiếp trên website hoặc ứng dụng di động của Bamboo Airways. Một số kênh bán vé của các đối tác của Bamboo Airways có thể kể tới như: Traveloka, Momo (OTA) & VinID, Shopee, Tiki, Lazada… Và các đơn vị liên kết marketing của Bamboo Airways là Accesstrade, Masoffer, Skyscanner…

Với các văn phòng khu vực, Bamboo Airways có ba văn phòng khu vực ở cả Bắc – Trung – Nam, với nhiệm vụ phân phối trực tiếp sản phẩm trực tiếp tới Khách hàng cũng như quản lý hoạt động của đại lý dưới quyền. 

Các đại lý cấp dưới có mạng lưới rộng khắp, trực tiếp phân phối sản phẩm của Bamboo Airways tới khách hàng. Các đại lý và văn phòng đại diện của Bamboo Airways xuất hiện với phạm vi không chỉ trong nội địa mà gần 20 nước trên thế giới. Đây có thể coi là điểm mạnh của Bamboo Airways nhưng đây cũng là nơi tiếp xúc trực tiếp với Khách hàng, là đầu mối quyết định có sử dụng dịch vụ của Bamboo Airways trong các lần tới hay không. Chính vì vậy, Bamboo Airways rất tập trung nâng cao kiến thức chuyên môn về nghiệp vụ cũng như tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm, đào tạo nhân sự đối với các đại lý trong và ngoài nước. 

・Quảng cáo, tiếp thị của Bamboo Airways 

Chiến lược marketing của Bamboo Airways đã sử dụng nhiều phương thức truyền thông quảng bá để truyền tải hình ảnh của thương hiệu tới người tiêu dùng. 

  • Marketing tiếp thị số: YouTube, Facebook..
  • Marketing truyền thống: Đặt biển quảng cáo, dán quảng cáo trên xe bus và taxi, đài truyền hình, tài trợ cho các chương trình truyền hình.
  • Truyền thông đại chúng: Tài trợ 50 tỷ cho giải bóng đá Cúp Quốc gia, tài trợ vận chuyển cho CLB bóng đá Hà Nội, tặng vé máy bay miễn phí cùng như vận chuyển hàng cứu trợ tới miền Trung
  • Chiến dịch truyền thông: Fly Green 
  • Hợp tác với các báo uy tín để viết bài, nâng cao hình ảnh của thương hiệu

Dưới đây là một số hoạt động của Bamboo Airways: 

1/ Truyền thông đại chúng 

Một trong những hoạt động quảng cáo/tiếp thị của Bamboo Airways mà chúng ta có thể kể tới là việc tài trợ các Giải bóng đá Cúp quốc gia từ năm 2019 tới năm 2021 và là nhà vận chuyển chính thức cho CLB bóng đá Hà Nội (năm 2020, 2021), CLB Đông Á Thanh Hóa (năm 2021), CLB bóng đá TP Hồ Chí Minh (năm 2021). 

Thông qua việc tài trợ cho các giải bóng đá, Bamboo Airways có thể cải thiện được khả năng nhận diện thương hiệu đối với tầng lớp khách hàng trung lưu và thượng lưu, khiến tầng lớp khách hàng này hiểu rõ hơn về thương hiệu. 

2/ Tổ chức sự kiện 

Tại thị trường nội địa, Bamboo Airways đã phối hợp với Hiệp hội du lịch Việt Nam để tổ chức các sự kiện nhằm xúc tiến và quảng bá du lịch đường hàng không. Cụ thể là trong các công tác chính như là chia sẻ thông tin, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, tuyên truyền, xúc tiến du lịch… 

Việc tổ chức sự kiện là một hoạt động không thể thiếu của Bamboo Airways trong việc khai thác thị trường ngách và kết nối với khu du lịch mới nổi trên cả nước. Với việc tổ chức sự kiện thông qua sự hợp tác với Hiệp hội du lịch Việt Nam, Bamboo Airways muốn “hướng tới tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn của Việt Nam.”

Không chỉ ở thị trường nội địa, Bamboo Airways cũng hợp tác với các thị trường nước ngoài như Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Nhật Bản, Bamboo Airways đã kết hợp với Đại diện cơ quan du lịch Nhật Bản, Hana Tour (công ty du lịch lớn nhất Hàn Quốc) để khai thác các đường bay thẳng từ Việt Nam tới Nhật Bản và Hàn Quốc, phục vụ nhu cầu du lịch và nghỉ dưỡng của Khách hàng quốc tế. 

Các bài viết liên quan:

Chiến lược marketing của Grab: Phương thức đột phá tạo nên thương hiệu

3/ Tiếp thị qua điện thoại di động 

Tiếp thị qua điện thoại di động là một phương pháp không thể thiếu đối với tất cả thương hiệu muốn tồn tại trong thế giới thông tin hiện nay và Bamboo Airways cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. 

Các cách tiếp thị thông qua thiết bị điện thoại di động mà Bamboo Airways đang triển khai là SMS, mã QR, quảng cáo trong ứng dụng của thương hiệu, tiếp thị dựa trên vị trí… 

Ứng dụng Bamboo Airways trên điện thoại di động có các tính năng chính cơ bản như đặt vé máy bay, check-in trực tuyến, đăng ký hội viên, phiếu quà tặng và mã giảm giá. Ngoài ra trên ứng dụng của Bamboo Airways còn có hiển thị các pop-up quảng cáo và giới thiệu các chương trình khuyến mãi đang diễn ra, giúp điều hướng và gia tăng doanh số bán hàng. Bamboo Airways cũng áp dụng nhiều ứng dụng công nghệ cao trong tiếp thị như gửi tin nhắn đến người đăng ký, cá nhân hóa trải nghiệm theo từng Khách hàng… 

Hiện nay tiếp thị qua điện thoại di động là một trong những phương pháp hiệu quả để giới thiệu dịch vụ tới người dùng của Bamboo Airways nhưng ít ai biết rằng để có thể có được như ngày hôm nay, thời gian đầu khi ra mắt ứng dụng, Bamboo Airways cũng phải dùng một lượng ngân sách lớn để lôi kéo người dùng tải và nhận biết ứng dụng. Một vài chiến lược đi kèm ở thời điểm đó là quà tặng ưu đãi (sử dụng mã code) cho những khách hàng tải apps và có giao dịch đầu tiên trên ứng dụng. Ngoài ra Bamboo Airways cũng đẩy mạnh quảng cáo trên các phương tiện trả phí và mạng xã hội. 

Sau khi đã có lượng người dùng lớn, Bamboo Airways duy trì chăm sóc khách hàng thông qua việc tiếp nhận phản hồi, xây dựng chiến lược gửi tin nhắn hoặc ưu đãi riêng cho từng nhóm khách hàng, cũng như tiếp tục phân bổ ngân sách quảng cáo để tăng lượng khách hàng sử dụng ứng dụng thông qua các chiến dịch chỉ dành riêng cho nền tảng di động như tặng code cho khách hàng đặt chuyến bay trên app hay mini game khi quét QR code…

bamboo-airways-marketing-strategy

Chiến lược marketing của Bamboo Airways (Ảnh minh họa)

4/ Tiếp thị qua email 

Tiếp thị qua email là phương thức mà Bamboo Airways không bỏ qua trong khi thực hiện chiến lược marketing của mình. Với việc sử dụng hệ thống Insider, đối tác quốc tế nổi tiếng để gửi email. Bamboo Airways đồng nhất hệ thống khách hàng với website để thương hiệu có thể cập nhật song song và gửi email trực tiếp tới khách hàng khi có đăng ký mới trên website. Sau khi đăng ký, hệ thống sẽ gửi 1 email trong khoảng từ 2-3 ngày để tránh làm phiền Khách hàng với các nội dung chính về các chương trình thương mại. 

Sau khi thực hiện triển khai email marketing, Bamboo Airways chia các đối tượng tương tác và mở email thường xuyên thành một tệp riêng để có các chiến dịch email marketing phù hợp hơn. Ngoài ra hệ thống của Bamboo Airways còn có thể nhận diện email từ cơ sở định vị, giúp lựa chọn đúng đối tượng cho chiến dịch marketing. 

5/ Tiếp thị liên kết 

Ngoài việc xây dựng website và ứng dụng để quảng cáo dịch vụ trực tiếp tới khách hàng thì Bamboo Airways cũng liên kết với rất nhiều các thời báo và tạp chí để giới thiệu sản phẩm của mình tới người dùng. 

Phụ thuộc vào mục tiêu và đối tượng khách hàng của từng chiến dịch mà Bamboo Airways sẽ viết các bài quảng cáo trên các thời báo và tạp chí phù hơn như Dantri, Vnexpress (dành cho phân khúc khách hàng đại chúng), CafeF, CafeBiz (dành cho khách hàng doanh nhân), Kenh14, Family (quảng cáo các sản phẩm combo) 

6/ Mạng xã hội Facebook 

Facebook là mạng xã hội không thể không kể đến trong chiến lược marketing của Bamboo Airways bởi vì thương hiệu đã và đang chạy rất nhiều chiến dịch PR trên mạng xã hội này với tần suất 2-3 posts trong một ngày và thời gian đăng bài vào khoảng 8:30 sáng, 1:30 chiều và 7:30 chiều. 

Nội dung của các bài đăng trên Facebook của Bamboo Airways bao gồm nhiều chủ đề như quảng cáo sản phẩm, chương trình khuyến mại, quảng cáo thương hiệu (reviews của khách hàng, hoạt động doanh nghiệp, sự kiện..), thông tin thị trường, hoặc các gameshow giải trí cho followers. 

Đối tượng của Bamboo Airways khi sử dụng mạng xã hội Facebook là đối tượng thanh thiếu niên từ 25-34 (chiếm khoảng 31%), 18-24 (chiến khoảng 20%) với tinh thần tích cực, năng động, phù hợp với xu hướng. Các bài đăng của Bamboo Airways về sản phẩm, dịch vụ hoặc chiến dịch quảng cáo đều được đánh giá là rất dễ hiểu, làm nổi bật được tinh thần của thương hiệu.

5. Ma trận SWOT của Bamboo Airways 

・Điểm mạnh của Bamboo Airways

Điểm mạnh của Bamboo Airways bao gồm nhận thức về việc đi lại của người dân được cải thiện, định vị thương hiệu “chuẩn”, cơ sở vật chất và dịch vụ hiện đại, đào tạo nhân lực nghiêm ngặt cũng như các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. 

  • Với sự tiện lợi và an toàn của việc di chuyển bằng máy bay, nhận thức của người dân đã được cải thiện rất nhiều và di chuyển bằng hàng không đã trở thành lựa chọn số một đối với rất nhiều khách hàng. 
  • Đào tạo nhân lực nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế với sự hợp tác đào tạo dài hạn với học viện đào tạo hàng không New Zealand. Điều này giúp Bamboo Airways thu về được một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. 
  • Cơ sở vật chất và dịch vụ của Bamboo Airways được đánh giá là cực kỳ hiện đại, hướng tới tiêu chuẩn năm sao. Giờ bay được thực hiện theo đúng lịch trình, ít bị hủy hoặc hoãn. 
  • Bamboo Airways thường có các ưu đãi và gói combo hấp dẫn cho khách hàng áp dụng mọi hạng vé. 

・Điểm yếu của Bamboo Airways

Điểm yếu của Bamboo Airways bao gồm các vấn đề đến từ cơ chế vận hành, việc khai thác đường bay cũng như độ nhận diện thương hiệu. 

Cụ thể điểm yếu của Bamboo Airways có thể được đề cập như sau: 

  • Hệ thống và cơ chế vận hành quản lý còn non trẻ nên dễ bị các đối thủ cùng ngành cạnh tranh về giá và chất lượng. 
  • Việc khai thác đường bay dựa trên thị trường ngách là hàng không và dịch vụ còn nhiều hạn chế 
  • Chỉ tập trung vận chuyển hành khách thương mại, chứ chưa cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa như các thương hiệu khác
  • Là thương hiệu mới thành lập nên chưa có lợi nhuận vì phải tập trung vào đầu tư nghiên cứu và phát triển, cũng như nhập khẩu máy bay, mở rộng đường bay và các dịch vụ tiện ích đi kèm. 
  • So với các thương hiệu “đàn anh”, Bamboo Airways vẫn là thương hiệu mới nên độ nhận diện chưa cao. 

・Cơ hội của Bamboo Airways 

Cơ hội của Bamboo Airways gắn liền với sự phát triển của xã hội và nhu cầu đi lại, nghỉ dưỡng ngày càng cao của người tiêu dùng. 

  • Du lịch Việt Nam ngày càng tăng trưởng. Việt nam ngày càng được biết tới với nhiều địa điểm du lịch và nghỉ dưỡng đẹp, thu hút không chỉ khách hàng Việt Nam mà còn khách hàng tới từ mọi miền quốc tế 
  • Việt Nam chuyển dịch nền kinh tế từ sản xuất công nghiệp sang sản xuất hàng hóa công nghệ cao, nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ tăng cao. 
  • Vị trí địa lý của Việt Nam là cầu giao giữa các khu vực trong Đông Nam Á nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ không ngừng gia tăng 
  • Nhu cầu du lịch và nghỉ dưỡng của người dân có xu hướng tăng trong tương lai vì mức sống được cải thiện rõ rệt.  

・Thách thức của Bamboo Airways 

Thách thức của Bamboo Airways đến từ cạnh tranh của các thương hiệu “đàn anh” trong ngành cũng như các yếu tố ngoại cảnh như dịch bệnh và tốc độ tăng trưởng của ngành. 

  • Áp lực cạnh tranh đến từ các thương hiệu lớn và có tên tuổi như Vietnam Airlines với nhiều hãng mới, mạng lưới đường bay lớn. 
  • Tốc độ tăng trưởng của toàn ngành hàng không bị đóng băng do dịch bệnh và giá xăng dầu tăng mạnh do chiến tranh Việt Nam – Ukraine. 

Xem thêm các bài viết về chiến lược marketing tại link.

6. Lời kết 

Chiến lược marketing của Bamboo Airways với phân tích về chiến lược marketing và giới thiệu về Bamboo Airways, cũng như điểm mạnh và điểm yếu, chiến lược sản phẩm của Bamboo Airways. Một thương hiệu mới trong lĩnh vực hàng không như Bamboo Airways nhưng lại có chiến lược thị trường ngách, tập trung vào phân khúc hàng không và nghỉ dưỡng. Đây thực sự là một chiến lược kinh doanh khôn khéo đi kèm với chiến lược marketing sáng tạo và bền bỉ. 

What's your reaction?

Excited
0
Happy
0
In Love
0
Not Sure
0
Silly
0
maneko
Tên thường gọi: maneko-chan. Chuyên về BtoB marketing và digital marketing, thích đọc các bài viết về chiến lược marketing, chiến lược kinh doanh của các thương hiệu tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Thành thạo Việt Anh Nhật. Yêu thiên nhiên, thích đọc sách, chơi với mèo và ăn vặt ^^

You may also like

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.