Quảng cáo trực tuyến là gì: Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của Internet, nhu cầu và hành vi mua sắm của người tiêu dùng có sự thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, với sự ra đời của smartphone thì hiện nay, các doanh nghiệp vừa phải đang đau đầu tìm cách đáp ứng được nhu cầu mua sắm và thông tin của người dùng trên nền tảng mới, lại vừa phải tìm cách phát triển mạng lưới Khách hàng mới. 

Vậy nên, song song với mạng xã hội, owned media (truyền thông sở hữu) thì quảng cáo trực tuyến là một sự lựa chọn không thể thiếu trong quá trình xây dựng kế hoạch marketing hiện nay. Tuy nhiên, càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào quảng cáo trực tuyến, thì cũng đồng nghĩa tính cạnh tranh và chi phí để một banner quảng cáo xuất hiện được trước mặt người tiêu dùng lại càng lớn. 

Chính vì thế, loại hình quảng cáo tuyến nào mang lại lợi nhuận tốt nhất cho doanh nghiệp? Các chỉ số KPI đo lường nào cần được áp dụng để có được những hiệu quả như mong đợi? Bài viết dưới đây sẽ tóm tắt và giải thích các điểm mấu chốt trong quảng cáo trực tuyến tới doanh nghiệp! 

1. Quảng cáo trực tuyến là gì?

Quảng cáo trực tuyến (quảng cáo online) là một loại hình quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới Khách hàng tiềm năng thông qua hình thức trực tuyến. Quảng cáo trực tuyến có rất nhiều tên gọi khác nhau, ví dụ như quảng cáo Internet, quảng cáo trực tuyến, quảng cáo kỹ thuật số,  quảng cáo web…. Và không chỉ tên gọi, quảng cáo trực tuyến cũng có đa dạng các loại hình, từ quảng cáo qua công cụ tìm kiếm, quảng cáo SNS, quảng cáo video, quảng cáo qua ứng dụng (apps)… Tùy từng mỗi loại hình quảng cáo khác nhau, trên từng nền tảng khác nhau mà có các cách tính phí, cài đặt tiếp cận Khách hàng, cách phát quảng cáo khác nhau. 

Từ nửa sau của những năm 1990s đổ về trước, khi Internet chưa phổ cập thì các loại hình quảng cáo truyền thông qua tivi, radio, báo chí.. rất là phổ biến. Tuy nhiên hiện nay, số lượng doanh nghiệp triển khai quảng cáo truyền thông qua các phương tiện này đang trở nên ít dần đi. 

2. Các loại quảng cáo trực tuyến

Như đã đề cập ở trên, quảng cáo trực tuyến bao gồm rất nhiều loại hình khác nhau, với nhiều loại đối tượng Khách hàng khác nhau. Vậy nên, việc chọn lựa được một mạng lưới quảng cáo trực tuyến phù hợp, tạo ra được lợi nhuận nhanh nhất cho doanh nghiệp là điều rất quan trọng. 

1. Quảng cáo hiển thị (Display ads)

Quảng cáo hiển thị là loại hình quảng cáo xuất hiện dưới dạng các banner tại các website mà người tiêu dùng truy cập. Các website như blog thông tin, thời sự, tin tức giải trí, với lưu lượng truy cập lớn thì sẽ luôn có các khung cho quảng cáo hiển thị.  Vì cách tính phí theo 1000 lần hiển thị nên đây là loại hình quảng cáo được khuyến khích nhất cho mục tiêu tăng độ nhận diện của doanh nghiệp. 

2. Quảng cáo Retargeting

Retargeting, hay còn gọi là chiến lược quảng cáo đeo bám giúp doanh nghiệp nhắm vào tầng Khách hàng tiềm năng, đã biết tới thương hiệu và đang cân nhắc mua hàng. Cách thức phát quảng cáo retargeting tương tự như quảng cáo hiển thị (display ads), tuy nhiên, điểm khác biệt giữa hai loại hình quảng cáo này là độ hiểu biết về thương hiệu của Khách hàng. 

Với quảng cáo hiển thị thì hầu như là Khách hàng chưa biết tới thương hiệu, nhưng quảng cáo retargeting thì Khách hàng đã biết tới, đã truy cập vào website của doanh nghiệp để tìm kiếm thông tin, nên tỷ lệ chốt đơn hàng của quảng cáo retargeting luôn cao hơn mức thông thường, so với các loại hình quảng cáo khác. 

3. Quảng cáo tìm kiếm (Search ads)

Quảng cáo tìm kiếm là một dạng quảng cáo trực tuyến trên nền tảng của các công cụ tìm kiếm như Google, hoặc Yahoo (đối với thị trường Nhật Bản). Đối với loại hình này thì người tiêu dùng sẽ sử dụng các từ khóa để tìm kiếm thông tin mà mình đang quan tâm, và tùy thuộc vào từ khóa mà Khách hàng nhập, Google hoặc công cụ tìm kiếm sẽ trả về kết quả website đáp ứng được nhu cầu của Khách hàng. Trong mỗi đợt tìm kiếm, doanh nghiệp trả phí quảng cáo cho Google sẽ có kết quả hiện lên trên cùng, gần cửa sổ nhập từ khóa.

Vì quảng cáo tìm kiếm được thực hiện dựa trên mối quan tâm của Khách hàng cho nên tỷ lệ chốt đơn cũng cao hơn so với quảng cáo hiển thị.

4. Quảng cáo SNS (mạng xã hội)

Quảng cáo SNS là quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram hoặc Twitter. Nội dung quảng cáo sẽ phụ thuộc vào thuộc tính, đặc điểm của từng tầng Khách hàng, cũng như lịch sử sử dụng mạng xã hội. 

Ngoài ra, hiện nay các doanh nghiệp đang đánh giá cao quảng cáo SNS vì tính tương tác mà các mạng xã hội này đem lại, khi doanh nghiệp có thể tiếp cận với nhiều đối tượng Khách hàng. Điều này giúp doanh nghiệp có được các nguồn thông tin phong phú, đa dạng hơn, giúp cho việc phát triển và cung cấp dịch vụ tới Khách hàng được diễn ra theo cách tốt nhất. 

5. Quảng cáo video 

Quảng cáo video thường được thực hiện trên Youtube với nhiều thể loại quảng cáo khác nhau cũng như cài đặt phát quảng cáo phụ thuộc vào từng đối tượng Khách hàng. Quảng cáo video có ưu thế hơn so với quảng cáo chữ thông thường ở tính truyền tải thông tin với số lượng lớn tới Khách hàng trong một khoảng thời gian ngắn. Cộng thêm, tính sống động trong nội dung truyền tải chắc chắn sẽ khiến Khách hàng tiềm năng nhớ tới thương hiệu một cách nhanh chóng nhất. 

Với nhiều loại hình quảng cáo như trên thì để có thể chọn lựa được một phương thức quảng cáo phù hợp phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu đặt ra, cũng như mối quan tâm của tầng lớp Khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp đang hướng tới. Và lẽ đương nhiên, loại hình quảng cáo nào phù hợp với tầng lớp Khách hàng nào sẽ rất khác nhau. 

Bảng bên dưới tóm tắt các loại hình quảng cáo của tương ứng với từng tầng Khách hàng. 

quang-cao-truc-tuyen-la-gi

Bảng tóm tắt loại hình quảng cáo trực tuyến là gì

Theo như bảng trên thì sẽ có ba loại Khách hàng chủ yếu:

・Tầng Khách hàng mục tiêu (Khách hàng mà doanh nghiệp nhắm tới nhưng lại chưa biết tới sự tồn tại của sản phẩm và dịch vụ, cũng như lợi ích mà sản phẩm, dịch vụ đem lại)
・Tầng Khách hàng tiềm năng (Khách hàng đã biết tới sản phẩm/ dịch vụ và đang cân nhắc mua, hoặc đang so sánh với các thương hiệu khác)
・Tầng Khách hàng thân thiết (Khách hàng đã mua và sử dụng sản phẩm của công ty, và có ý định mua tiếp hoặc quảng cáo dịch vụ/sản phẩm của công ty tới người tiêu dùng khác)

Xem thêm bài viết liên quan 

Kinh nghiệm chạy quảng cáo Google hiệu quả mà giá rẻ

3. Ưu điểm của quảng cáo trực tuyến

So với quảng cáo trực tuyến thì quảng cáo truyền thống có khả năng tiếp cận người dùng trên một mạng lưới rộng, giúp doanh nghiệp có thể tăng khả năng nhận diện thương hiệu của mình. Tuy nhiên, khả năng đo đạc chính xác hiệu quả cũng như khó cài đặt phân khúc Khách hàng chính là điểm yếu của quảng cáo truyền thống.  Cụ thể hơn, dưới đây là bốn ưu điểm của quảng cáo trực tuyến so với quảng cáo truyền thống: 

1. Không cần nhiều vốn khởi đầu 

Đối với các quảng cáo truyền thống như tivi, truyền thanh, báo chí… thì thường cần một khoản tiền khá lớn để đăng ký và xây dựng nội dung quảng cáo. Tuy nhiên đối với quảng cáo trực tuyến thì chỉ cần một khoản tiền nhỏ là đã có thể dễ dàng bắt đầu được một chương trình quảng cáo. Chưa kể, một vài platform còn cho phép doanh nghiệp trả tiền theo PPC (pay-per-click) nghĩa là doanh nghiệp chỉ trả tiền nếu có Khách click vào quảng cáo.

2. Phân khúc và lựa chọn Khách hàng tiềm năng

Các nhà cung cấp quảng cáo sử dụng thông tin của người dùng như trình độ học vấn, giới tính, tuổi tác hoặc lịch sử truy cập để giúp doanh nghiệp có được những phân khúc Khách hàng tiềm năng cụ thể nhất. Điều này giúp doanh nghiệp có thể tránh được sự lãng phí trong khi vẫn đạt được độ hiệu quả cao trong ngân sách đặt ra. 

3. Dễ dàng đo lường độ hiệu quả

Với hệ thống quảng cáo hiện đại như hiện nay thì ngoài việc cung cấp quảng cáo một cách hiệu quả, các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo còn giúp sức cho doanh nghiệp trong quá trình đo lường độ hiệu quả bằng các chỉ số như số lượng click, số lượng hiển thị…. Chính điều này giúp doanh nghiệp có thể nằm được tình trạng quảng cáo và đưa ra các biện pháp thích hợp nhất. 

4. Cập nhật nội dung quảng cáo liên tục

Khác với quảng cáo truyền thống là sau khi đăng ký và phát quảng cáo thì doanh nghiệp không thể thay đổi được nội dung hoặc lịch phát sóng, quảng cáo trực tuyến cung cấp cho doanh nghiệp sự linh hoạt trong điều chỉnh nội dung quảng cáo, chi phí cũng như đối tượng Khách hàng. Đây thực sự là điểm cộng rất lớn đối với quảng cáo trực tuyến nói chung. 

Với bốn đặc trưng và thế mạnh như trên đây, quảng cáo trực tuyến giúp doanh nghiệp có thể bắt đầu chiến dịch PR thương hiệu của mình từ số vốn nhỏ, tự do điều chỉnh nội dung quảng cáo cũng như đối tượng Khách hàng cho phù hợp với mục tiêu marketing đã đề ra cũng như giúp tăng doanh số một cách hiệu quả. 

Vậy để có thể đạt được hiệu quả trong quảng cáo trực tuyến thì có các điểm nào cần chú ý, cũng như các chỉ số KPI nào cần lưu ý, phần tiếp theo của bài viết sẽ giải thích cụ thể hơn.  

quang-cao-truc-tuyen-la-gi

Quảng cáo trực tuyến (Nguồn: Internet)

4. Các lưu ý trong chạy quảng cáo trực tuyến

Trong mỗi giai đoạn chuẩn bị quảng cáo khác nhau sẽ có các điểm cần chú ý khác nhau. 

1. Giai đoạn chuẩn bị quảng cáo trực tuyến 

Việc làm đầu tiên trong giai đoạn này chính là tệp Khách hàng nào mà doanh nghiệp đang hướng tới. 

Không phải chỉ đơn thuần là một mảng Khách hàng chung chung mà phải cụ thể hóa được các đặc trưng khu biệt cho từng đầu mục Khách hàng. Ví dụ Khách hàng bao nhiêu tuổi, sinh sống ở đâu, giới tính, tình trạng hôn nhân, sở thích, thu nhập, trình độ học vấn…. 

Việc chỉ ra các đặc trưng về Khách hàng này nên được thực hiện trước khi lên kế hoạch quảng cáo, hay tìm điểm mạnh của sản phẩm, hay phân tích đối thủ cạnh tranh. Việc hình dung ra được Khách hàng tiềm năng, họ là ai, họ có mối quan tâm nào, có sự băn khoăn nào cần giải quyết, từ đó xây dựng các giả thuyết và thực thi kế hoạch quảng cáo là rất quan trọng. 

2. Xây dựng chỉ số KPI 

Sau khi xuất quảng cáo thì chỉ số KPI để nắm bắt hiện trạng và liên tục cải thiện quảng cáo là rất quan trọng. Vậy nên việc xây dựng chỉ số KPI phù hợp, thể hiện rõ được mục tiêu quảng cáo là điều tất yếu. Phần tiếp theo sẽ giải thích rõ hơn về các chỉ số KPI trong quảng cáo trực tuyến. 

3. Cải thiện quảng cáo 

Quảng cáo trực tuyến có rất nhiều chỉ số để quan sát, nhưng điều quan trọng nhất trong quá trình cải thiện quảng cáo vẫn là kết quả ban đầu đặt ra. Vậy nên trước khi cài đặt quảng cáo thì marketers cần tưởng tượng ra kết quả mình có thể đạt được, hay còn gọi là mục tiêu ban đầu. 

Tại sao lại như vậy? 

Bởi vì quảng cáo trực tuyến có rất nhiều chỉ số và việc quan sát, thu thập tất cả các chỉ số là hoàn toàn không thể, hay nói cách khác, chỉ làm các dữ liệu trở nên rắc rối hơn. Vậy nên, việc chỉ ra các chỉ số quan trọng, liên tục so sánh với mục tiêu đặt ra và không ngừng cải thiện chất lượng quảng cáo, chính là một trong các biện pháp hiệu quả nhất để cải thiện quảng cáo, cũng như gặt hái được các kết quả khả quan. 

5. Chỉ số KPI trong quảng cáo trực tuyến

Việc thiết lập và phân tích chỉ số KPI trong quảng cáo trực tuyến phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra. Thông thường khi sử dụng quảng cáo trực tuyến thì doanh nghiệp thường sẽ có ba mục tiêu chính: 

・Tăng độ nhận diện thương hiệu
・Tăng số lượng Khách hàng vào website
・Tăng số lượng đơn hàng 

1. Đối với mục tiêu tăng độ nhận diện thương hiệu 

Đối với mục tiêu tăng độ nhận diện thương hiệu thì sẽ tập trung vào chỉ số “Reach (Số lượng Khách tiếp cận)” và “Impression (Số lần hiển thị)”. Cụ thể là quảng cáo có hiện đúng với Khách hàng tiềm năng không? Khách hàng có hiểu nội dung quảng cáo không? 

Số lượng hiển thị (Impression): Số lượng hiển thị của quảng cáo. Cần chú ý nếu một trang có nhiều quảng cáo cùng đăng thì số lượng hiển thị quảng cáo có thể sẽ nhiều hơn số lượng pageviews. 

Số lượng tiếp cận (Reach): Số lượng người xem mà quảng cáo đã hiển thị. 

Thông thường số lượng người xem được quảng cáo tiếp cận sẽ được đo đạc trên số lượng unique visitors (Unique visitors là lượng khách chỉ truy cập vào web một lần duy nhất)

Cost per Miles (CPM): Chi phí cho hiển thị quảng cáo 1,000 lần. 

quang-cao-truc-tuyen-la-gi

Tần suất hiển thị quảng cáo (Frequency): Số lần quảng cáo hiển thị cho một người dùng. 
Nếu quảng cáo hiển thị quá nhiều lần đối với một người dùng thì sẽ dễ gây phản ứng ngược, khiến Khách hàng cảm thấy khó chịu đối với thương hiệu. Vậy nên song song với cài đặt quảng cáo thì cài đặt tần suất hiển thị quảng cáo là rất cần thiết. 

2. Đối với mục tiêu tăng số lượng Khách hàng vào website

Đối với mục tiêu tăng số lượng Khách hàng vào website thì các chỉ số như số lượng clicks, tỷ lệ click hay giá tiền cho một click sẽ được ưu tiên chú ý. 

Số lượng click: Số lượng clicks mà người xem nhấn vào banner quảng cáo. 
Thông thường sẽ số lượng click sẽ được tính theo đơn vị phiên giao dịch (session) 

Click through rate (CTR hay còn gọi là tỷ lệ click): Tỷ lệ quảng cáo được người xem click vào trên tổng số lượt quảng cáo được hiển thị. 

ty-le-click-la-gi

Chi phí quảng cáo: Chi phí quảng cáo phát sinh trong chiến dịch.
Cost per Click (CPC): Giá tiền cho một click

CPC-la-gi

3. Đối với mục tiêu tăng số lượng đơn hàng 

Đối với mục tiêu tăng số lượng đơn hàng thì các chỉ số liên quan tới conversion như số lượng Khách đặt mua hàng, đăng ký bản tin, tỷ lệ chốt đơn hàng trên tổng số Khách hàng, doanh thu đạt được cũng như chi phí bỏ ra cho một Khách hàng cần phải đo lường để nhận biết được hiện trạng. Đối với mục tiêu này thì việc sau khi Khách hàng vào website, lộ trình của Khách từ lúc vào landing page cho tới lúc đăng ký thành viên hoặc đặt mua hàng là rất quan trọng. 

Số lượng conversion: Số lượng Khách mua hàng, hoặc đăng ký thành viên… 

Tỷ lệ conversion (Conversion rate): Tỷ lệ của số lượng Khách mua hàng, đăng ký thành viên, hay nói cách khác, tỷ lệ của số lượng conversion so với tổng số lượng visit trong một khoảng thời gian. 

Cost per Acquisition hay Cost per Action (CPA): Chi phí để có một khách hàng, hay một đơn hàng. 

CPA có rất nhiều tên gọi khác nhau, tùy từng mục tiêu của doanh nghiệp. Nó có thể là CPE (Cost per Engagement) đối với mạng xã hội SNS, hay CPR (Cost per Response) và CPO (Cost per Order) đối với các trang bán hàng e-commerce, hay CPI (Cost per Install) đối với apps. 

4. Các chỉ số khi đo lường độ hiệu quả của quảng cáo

Return on Advertising Spend (ROAS): Là tỷ lệ của hiệu quả quảng cáo trên chi phí đã bỏ ra. 

ROAS-la-gi

Return on Investment (ROI): Là tỷ lệ lợi nhuận mà quảng cáo đem lại. 

ROI-la-gi

ROAS là tương quan trên tổng lợi nhuận (gross), còn ROI là trên lãi (net). Tuy nhiên, khi phân tích báo cáo thì cả ROAS và ROI cần phải cao hơn 100%, hay càng cao càng tốt. 

Xem thêm các bài viết về quảng cáo online tại đây. 

Lời kết

Bài viết trên đã tóm tắt những ý chính nhằm giải thích quảng cáo trực tuyến là gì với những khái niệm rất cơ bản cũng như những ý chính trong giai đoạn hình thành nên một kế hoạch quảng cáo online. Hy vọng bài viết có ích với các bạn! Mình sẽ quay lại với từng loại hình quảng cáo trong các bài viết sau nhé!

Xem thêm các bài viết về quảng cáo online tại link.

What's your reaction?

Excited
0
Happy
0
In Love
0
Not Sure
0
Silly
0
maneko
Tên thường gọi: maneko-chan. Chuyên về BtoB marketing và digital marketing, thích đọc các bài viết về chiến lược marketing, chiến lược kinh doanh của các thương hiệu tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Thành thạo Việt Anh Nhật. Yêu thiên nhiên, thích đọc sách, chơi với mèo và ăn vặt ^^

You may also like

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.