Ngành kinh doanh đồ giải khát là một trong những ngành được đánh giá là có mức sinh lợi cao nhất trong các ngành công nghiệp. Với thị trường được ước tính vào khoảng 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2016, thì không có gì ngạc nhiên khi nhiều công ty cố gắng tung sản phẩm mới của họ vào thị trường và gặt hái được nhiều thành công sau đó. 

Tuy nhiên, tất cả đều có lý do của nó. Để có thể tồn tại trong một thị trường khắc nghiệt như ngành đồ uống, thì việc xây dựng một kế hoạch marketing cho sản phẩm nước giải khát là điều hoàn toàn cần thiết. Thậm chí, không chỉ một, mà bạn cần phải thử các chiến lược tiếp thị khác nhau để tìm ra chiến lược phù hợp nhất. 

Bài viết dưới đây giúp bạn lập được một kế hoạch marketing cho sản phẩm nước giải khát bắt đầu từ những bước cơ bản nhất như hình thành ý tưởng và phân tích thị trường… 

A. Giai đoạn 1: Khởi động 

1. Lập ý tưởng cho sản phẩm 

Đầu tiên là bạn cần biết bạn muốn bán cái gì ra thị trường. Để làm được điều này, bạn cần có cái nhìn về bức tranh toàn cảnh của ngành đồ uống, các yếu tố bên trong và bên ngoài. Hãy thử nghĩ xem bạn sẽ bán một loại sản phẩm, phục vụ cho một thị trường nhất định hay nhiều loại sản phẩm cho nhiều thị trường. 

Thông thường, thị trường nước giải khát có thể chia ra làm nhiều loại như nước tăng lực, đồ uống tốt cho sức khỏe, nước trái cây, nước sô-đa, cà phê, trà, đồ uống có cồn… 

Điều đầu tiên là bạn phải phân tích các danh mục sản phẩm trên, xem danh mục sản phẩm nào phù hợp với ý tưởng của mình để có thể thực hiện nghiên cứu phù hợp và phân tích đối thủ cạnh tranh một cách hiệu quả. 

2. Chế biến công thức 

Bạn có thể rất giỏi trong việc nấu nướng hoặc chế biến đồ ăn, nhưng để biến các công đoạn thành một công thức cho sản xuất nhất định dành cho chế biến hàng loạt thì có thể là một câu chuyện khác. Và đặc biệt rằng, công thức bạn chế tạo ra phù hợp với khẩu vị của tất cả mọi người. 

Bạn có thể thử các cách dưới đây để đánh giá và hoàn thiện công thức của mình như:

・Tổ chức các bữa tiệc trong phạm vi gia đình hoặc bạn để để nhờ mọi người nếm thử và cho ý kiến.
・Hợp tác với một cửa hàng địa phương nhờ họ để cung cấp tới thực khách để có những phản hồi khách quan.

Nghe, ghi chú và nói chuyện trực tiếp là những gì bạn cần để có cái nhìn sâu sắc hơn về sản phẩm của bạn từ góc nhìn của Khách hàng tiềm năng. 

3. Tiếp tục phát triển sản phẩm

Nhìn kỹ và đánh giá lại các phản hồi thu thập được trong nhiều tuần cùng các lần nếm thử khác nhau. Bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi trước và sau, từ một ý tưởng rời rạc trở thành một hệ thống có ý nghĩa và cuối cùng là sự sẵn sàng để ra mắt công chúng. Bạn dành càng nhiều thời gian để phát triển và hoàn thiện sản phẩm của mình trong những bước đầu thì khả năng thành công càng cao. Đừng bỏ cuộc nhé! 

4. Phân tích thị trường 

Một trong những yếu tố quyết định thành bại của một sản phẩm đó chính là yếu tố cạnh tranh. Việc nghiên cứu thị trường để đánh giá độ cạnh tranh nên phải được thực hiện ngay từ những bước đầu. 

Nghiên cứu thị trường cần phải được thực hiện trên một phạm vi rộng, bao gồm thị trường địa phương, thị trường khu vực, thị trường quốc gia và thị trường quốc tế. Đừng quá bó hẹp vào một thị trường nào đó quá đặc thù vì nếu sản phẩm của bạn thành công trên địa phương thì rất có thể, bạn sẽ phải mất thời gian giữa chừng để thực hiện nghiên cứu thị trường ở phạm vi rộng hơn. 

Hãy làm chắc từ những bước đầu tiên, biết được sự khác biệt, sự khó khăn, nắm được đặc trưng của từng koại thị trường sẽ giúp bạn có tư thế sẵn sàng cho sự phát triển lâu dài. Dưới đây là một số điểm lưu ý về từng loại thị trường khi nghiên cứu: 

・Thị trường địa phương/Thị trường khu vực

Tìm hiểu những loại đồ uống đang được sản xuất và bày bán tại địa phương nơi bạn sinh sống. Bạn có thể nói chuyện trực tiếp với chủ doanh nghiệp của các sản phẩm đó. Nhiều khi những người biết rõ về doanh nghiệp của mình như chủ doanh nghiệp có thể cho bạn biết thêm thông tin quý giá về sản phẩm đang được bày bán. Tuy nhiên, nếu được, hãy tránh để lộ ra rằng bạn đang phát triển dòng sản phẩm cạnh tranh với họ nhé! 

・Thị trường quốc gia/Thị trường quốc tế

Với một thị trường lớn và rộng như ngành đồ uống thì bạn nên nắm được lịch sử hình thành và phát triển của các dòng đồ uống được ưa chuộng trên toàn thế giới. Luôn để mắt tới các tờ báo và tạp chí chuyên ngành, website của công ty sản xuất. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thị trường, xu hướng cũng các dữ liệu quan trọng khác trong ngành đồ uống. 

Xem thêm các bài viết liên quan 

Chiến lược marketing của thương hiệu Dutch Lady
Chiến lược marketing của Highland Coffee

5. Lập kế hoạch marketing 

Việc lập kế hoạch marketing cho sản phẩm nước giải khát bao gồm nhiều quy trình, đòi hỏi bạn phải suy nghĩ nhiều về bức tranh toàn cảnh. Cụ thể là bạn cần phải xác định một số thành phần chính trong kế hoạch tiếp thị của mình, bao gồm: 

・Thị trường mục tiêu/ Nhân khẩu học mục tiêu

Xem xét đối tượng nhân khẩu học mà bạn muốn họ sử dụng sản phẩm nước giải khát của bạn. Đó có phải là một loại nước trái cây chiết xuất từ thiên nhiên, thân thiện cho trẻ em? Hay là đồ uống có cồn cho người lớn? Hay là loại đồ uống cho dân tập thể hình? Trong tương lai, các kế hoạch marketing sẽ được thực hiện dựa trên đối tượng mà bạn đang nhắm tới là ai. Vậy nên, việc xác định đúng đối tượng, đúng thị trường là điều rất quan trọng. 

・Khác biệt với đối thủ cạnh tranh

Không phải ngẫu nhiên mà Khách hàng mua hàng của bạn. Hay nói một cách khác, Khách hàng mua hàng của bạn bởi họ cảm thấy giá trị mà sản phẩm của bạn đem lại tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh. Vậy nên việc trả lời cho câu hỏi, sản phẩm của bạn khác biệt như thế nào so với đối thủ cạnh tranh cũng là một yếu tố quan trọng. Ví dụ bạn đang muốn bán dòng nước trái cây tự nhiên, vậy dòng sản phẩm nước trái cây của bạn và đối thủ khác nhau như thế nào? Nếu bản thân bạn cũng không thể phân biệt được vậy làm thế nào mà người dùng có thể phân biệt được để chọn mua. Vậy nên, đánh dấu một vài ba điểm mạnh mà “không phải ai cũng có” để từ đó biến thành những thông điệp gửi tới Khách hàng là điều cần phải làm. 

・Tham gia thị trường

Bạn sẽ tham gia thị trường như thế nào? Bạn sẽ bán và thử nghiệm sản phẩm ở địa phương hay các chợ nông sản liên tỉnh? Bạn sẽ tìm kiếm các đối tác ở các thị trường đa quốc gia chứ? Hay bạn sẽ chỉ bán sản phẩm của mình tại các cửa hàng trực tuyến? Đây là thời điểm để bạn sáng tạo các bước đi để tiếp cận thị trường mục tiêu một cách hiệu quả. 

・Chiến lược bán hàng

Bạn sẽ sử dụng chiến lược bán hàng nào để bán sản phẩm của mình? Bạn sẽ tự mình bán sản phẩm hay tuyển dụng nhân viên kinh doanh để tiếp cận các thị trường tiềm năng? Bạn cần có chiến lược bán hàng và hiểu chiến lược này ngay từ đầu để có thể thiết lập mục tiêu tăng doanh số bán hàng trong một khoảng thời gian cụ thể. Chi phí cho việc quảng cáo cũng cần phải cân nhắc. Ví dụ như quảng cáo trên báo in thì chi phí như thế nào? Quảng cáo trực tuyến, truyền thông xã hội, website thì chi phí sẽ ra sao? Hãy lên kế hoạch để tính toán lợi nhuận được cụ thể. 

 ・Hàng dùng thử, hàng bán kèm

Một yếu tố không quá quan trọng nhưng cần phải cân nhắc là việc bán kèm hàng hóa đi cùng sản phẩm. Nếu trong trường hợp sản phẩm của bạn không được công chúng chú ý trong giai đoạn đầu thì bạn cần phải làm gì? Áo phông, quà tặng miễn phí, đồ dùng thủ, các ưu đãi giảm giá khác có thể là một yếu tố để Khách hàng cân nhắc khi mua sản phẩm của bạn. Tuy nhiên, hãy cân nhắc về mặt chi phí tránh để bị chèn quá nhiều vào lợi nhuận thu được. 

B. Giai đoạn 2: Hoàn thiện thương hiệu 

Một thương hiệu tốt có thể giúp bạn tiếp cận được với Khách hàng trong thời gian ngắn nhất. Nếu bạn để ý sẽ thấy các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường đều có những thương hiệu khiến cho người tiêu dùng nhớ ngay từ lần gặp đầu tiên. Điều quan trọng là bạn phải hoàn thiện được hình ảnh thương hiệu của mình sớm và duy trì tính nhất quán trong suốt vòng đời của sản phẩm. Trong quá trình xây dựng thương hiệu, bạn không thể phát triển một biểu tượng bất kỳ và thay đổi nó về sau. Điều này sẽ khiến cho người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn và chiến lược giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu sẽ bị đi vào bế tắc. Một thương hiệu tốt sẽ bao gồm các yếu tố cơ bản như sau: 

Điều đầu tiên trong chiến lược xây dựng một thương hiệu marketing là tạo dựng logo. Một logo được thiết kế tốt sẽ không chỉ khiến người tiêu dùng dễ nhớ tới thương hiệu mà còn giúp sản phẩm nước giải khát của bạn truyền tải được ý nghĩa của sản phẩm tới mọi người tiêu dùng trên thế giới. 

Thông thường để thiết kế được một logo mang tính sáng tạo và trừu tượng một chút thì sẽ cần tới các phần mềm chuyên nghiệp. Nếu bạn không phải là chuyên gia thiết kế đồ họa thì cũng đừng lo. Rất nhiều freelancers có thể giúp bạn làm được điều này chỉ trong nháy mắt. Điều quan trọng là hãy quyết định sớm mô hình logo cho thương hiệu của bạn, chứ đừng để khi sản phẩm lên kệ rồi mới thực hiện đổi mới với cách tân.

2. Thiết kế sản phẩm 

Một số sản phẩm đồ uống được nhận dạng chủ yếu nhờ trên thiết kế chai mà người tiêu dùng sử dụng. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao Coca-cola lại có thiết kế bóp bụng và lõm cạnh ở đáy chưa? Hay tại sao các lon thủy tinh chứa đồ uống có cồn lại móp đầu? Hay tại sao dung tích của một lon bia lại là 350ml? Tất cả đều có lý do của nó. 

Vậy nên, đừng làm qua loa và đại khái bước thiết kế sản phẩm này. Hãy thiết kế một vẻ bề ngoài cho sản phẩm của bạn sao cho nó trở thành đặc trưng cho sản phẩm của bạn, làm nó dễ nhận ra với người tiêu dùng. Và rồi một ngày, bạn sẽ nhận ra, vẻ bề ngoài chính là một yếu tố, một vũ khí để cạnh tranh trên giá của siêu thị. 

3. Hiểu được dòng tài chính của bản thân 

Tài chính đóng vai trò quan trọng trong bất cứ hoạt động kinh doanh nào, từ khởi nghiệp nhỏ lẻ cho tới kinh doanh với quy mô lớn. Điều quan trọng là bạn phải nắm được bạn cần bao nhiêu tiền để bắt đầu, để có mặt trên thị trường. Chi phí ban đầu luôn được coi là rào cản đối với bất kỳ một doanh nhân nào. Tuy nhiên, nếu bạn có một kế hoạch kinh doanh cụ thể, bạn sẽ có thể biết chính xác khoản đầu tư nào cần được thực hiện trước và trong suốt quá trình bán hàng, cũng như khoản nào dễ bị phát sinh. Hãy tự hỏi mình hai câu hỏi dưới đây: 

・Cần bao nhiêu tiền mặt để đầu tư? Một kế hoạch khởi nghiệp luôn cần một số lượng vốn nhất định để trả những kinh phí ban đầu cũng như giúp bạn có thể sống sót khi chưa nhận về đủ lợi nhuận. Hãy tính toàn thật cẩn thận, bao gồm đủ chi phí cá nhân của riêng mình, đặc biệt nếu bạn định bán toàn thời gian sản phẩm nước giải khát của mình mà không có các nguồn thu nhập khác. 

・Có cần sự trợ giúp từ bên ngoài? Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ không đủ khả năng tài chính để bắt đầu quá trình kinh doanh của mình, đó chính là lý do để bạn nghĩ tới việc sử dụng các nguồn lực tài chính từ bên ngoài như ngân hàng, hoặc nhà đầu tư. Các nhà đầu tư thường mong đợi lợi nhuận từ việc đầu tư của mình sau khi doanh nghiệp đi vào ổn định, và ngân hàng cũng vậy. Hãy đảm bảo mọi cuộc thỏa thuận được diễn ra một cách chuyên nghiệp và hợp pháp, sao cho bạn có thể tránh được các vấn đề phát sinh khi doanh số bán hàng tăng cao. Việc có một bản kế hoạch kinh doanh tốt cũng giúp bạn có thể thuyết phục các bên quan tâm đầu tư vào ý tưởng và sản phẩm của bạn. 

4. Các vấn đề pháp lý 

Nếu bạn bắt đầu kinh doanh thì bạn phải đảm bảo những gì mình đang kinh doanh là hợp pháp. Hãy tham khảo ý kiến của luật sư và kế toán có kinh nghiệm để đảm bảo các dữ kiện và số liệu và chính xác. Hãy tham khảo một số các yếu tố dưới đây khi nói tới vấn đề pháp lý:

・Mô hình kinh doanh của bạn là gì? Bạn tự điều hành doanh nghiệp của cá nhân hay hình thành quan hệ đối tác với bên thứ ba? Nếu đây là doanh nghiệp của bạn thì bạn sẽ là người có trách nhiệm cao nhất cho tất cả các quyết định được đưa ra, điều này liệu có ổn không? Nếu bạn làm việc kiểu hợp tác thì trách nhiệm và quyền hạn sẽ bị san sẻ nhưng bạn có chịu được những mâu thuẫn ngầm trong nội bộ không? Điều quan trọng là phải làm đúng mọi thứ ngay từ đầu. Một luật sư, một kế toán, một nhà tư vấn kinh doanh lâu năm có thể giúp bạn hiểu các lựa chọn mình có để có thể thành lập doanh nghiệp một cách hợp pháp. 

・Bạn đã có bằng sáng chế cho sản phẩm chưa? Khi bạn phát triển thành công một dòng sản phẩm mới, điều quan trọng là phải nghiên cứu các yếu tố cần thiết để bảo vệ cho phát minh của mình. Không chỉ sản phẩm mà còn logo, biểu tượng sản phẩm và các thứ liên quan đến marketing khác. Nếu không được đăng ký bản quyền phù hợp, sản phẩm của bạn sẽ có thể bị người khác ăn cắp và phát triển, gây nguy hiểm cho Doanh nghiệp của bạn. Hãy thử liên hệ tới một vài chuyên gia trong ngành để có thể tham khảo được thêm nhiều ý kiến về các quy định pháp lý trong ngành kinh doanh đồ uống. 

・Bạn đã có giấy phép hoạt động kinh doanh chưa? Đây là điều then chốt trong việc bạn có thể có mặt trên thị trường được không. Bạn hãy nghiên cứu các luật liên quan đến sản phẩm mà mình đang định bán để đảm bảo sản phẩm của bạn có giấy phép và được chứng nhận một cách hợp pháp. Nếu không có giấy phép hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp của bạn có thể bị đóng cửa hoặc bị phạt nặng nếu vi phạm quy định. 

 ・Bảo hiểm có thật sự là cần thiết với bạn? Hãy thử tham khảo các đại lý bảo hiểm trong khu vực có liên quan tới ngành đồ uống. Việc có trong tay một gói bảo hiểm sẽ giúp các bạn rất nhiều trong việc bảo vệ tài sản, bảo vệ người, và xe cộ nếu có vấn đề gì xảy ra. 

Xem thêm các bài viết liên quan 

Chiến lược marketing của thương hiệu Sunsilk
Chiến lược marketing của dầu gội Clear

C. Giai đoạn 3: Phát triển sản xuất

1. Hiểu nhu cầu sản xuất, gia công sản phẩm 

Sản xuất sản phẩm là công đoạn rất quan trọng vì sản phẩm có tốt thì doanh nghiệp của bạn mới có được sự tín nhiệm của người tiêu dùng. Đối với quá trình sản xuất thì thông thường bạn sẽ có hai sự lựa chọn: Tự sản xuất hoặc thuê một bên thứ ba làm giúp. Tuy hai hướng đi khác nhau nhưng đều phải có chung một điểm xuất phát là bạn phải hiểu rõ về mục đích của việc sản xuất cũng như quản lý được nguồn chi phí hiệu quả. 

Bạn có thể thực hiện các chuyến viếng thăm với các nhà sản xuất để xem nhà sản xuất nào tốt nhất. Yêu cầu mọi chi phí đều được minh bạch để bạn có thể quản lý được chính xác mọi diễn biến trong quá trình sản xuất. 

2. Nguồn cung nguyên liệu 

Một trong những điểm cần chú ý trong sản xuất đồ uống là việc lựa chọn các nguyên liệu tươi ngon nhất vào sản phẩm của mình. Vậy nên bạn cần phải hiểu quy trình tìm nguồn cung cấp nguyên liệu tốt nhất và xác định hiệu quả chi phí của các lựa chọn của mình. Hãy tự mình đặt ra các câu hỏi như bạn sẽ tự mình lựa chọn các nguồn cung chỉ trong địa phương hay ở tỉnh ngoài? Làm thế nào để đảm bảo nguồn cung nếu sản xuất các lô lớn sản phẩm? 

3. Thiết bị sản xuất 

Nếu bạn nghĩ mình hoàn toàn có thể tự sản xuất thì thiết bị sản xuất cũng là yếu tố phải cân nhắc. Bạn nên mua mới hay mua đồ đã qua sử dụng? So với việc nhờ bên thứ ba sản xuất thì việc tự mình sản xuất sẽ có tiện lợi gì, chi phí giảm được bao nhiêu?

4. Giao hàng/ Phân phối 

Sau khi sản phẩm được ra lò, bạn sẽ gửi cho Khách hàng như thế nào? Việc tự đi giao có thể phù hợp cho bước đầu khi số lượng Khách hàng còn ít, mô hình sản xuất nhỏ và bạn vẫn có thể quản lý. Tuy nhiên, khi quy mô sản xuất mở rộng, bạn sẽ phải cân nhắc tới việc tìm kiếm các kênh phân phối rộng hơn, uy tín hơn. Tham khảo ý kiến của một vài nhà môi giới trong khu vực, cân nhắc mọi lựa chọn và các chi phí liên quan vẫn là điều cần thiết trong bất cứ khâu phát triển nào. 

5. Nhân viên 

Mặc dù bạn có thể làm mọi thứ ở bước đầu tiên nhưng về tương lai lâu dài thì chắc chắn vẫn cần một đội ngũ nhân viên đáng tin cậy để giúp bán hàng và sản xuất. Tỷ lệ trả lương cho nhân viên là bao nhiêu thì hợp lý? Bạn sẽ cần bao nhiêu nhân viên để mọi thứ được vận hành trơn tru? Hãy thử tham khảo ý kiến của chuyên gia nhân sự để hiểu về quy trình tuyển dụng, bảo hiểm, thuế, lương bổng…. 

D. Một vài ý tưởng marketing cho sản phẩm nước giải khát 

Trên đây là các bước cơ bản để bạn có thể lập một kế hoạch marketing cho sản phẩm nước giải khát. Tuy nhiên, bài viết trên vẫn chưa đề cập vào các ý tưởng có thể sử dụng cho kế hoạch marketing. Vậy nên, mình sẽ liệt kê một vài ý tưởng marketing cho sản phẩm nước giải khát như sau, bạn có thể tham khảo nhé:

1. Xây dựng nhận thức về thương hiệu với digital marketing

Digital marketing hay marketing kỹ thuật số là khái niệm không còn xa lạ với bất kỳ ngành nghề nào. Đặc biệt trong thế giới mà mạng Internet phủ khắp như hiện nay thì việc truyền tải thông điệp tới người dùng không còn quá khó khăn. Để có thể xây dựng được thương hiệu với digital marketing, mình xin giới thiệu một vài phương pháp như sau nhé: 

・SEO (Search Engine Optimization)

Đây là phương pháp tối ưu hóa kết quả tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới, Google. Nếu bạn chưa có website thì mình nghĩ bạn có thể tìm hiểu phương pháp để xây dựng website sao cho tự Doanh nghiệp có thể quảng cáo được thương hiệu của mình, truyền tải thông tin chính xác tới người dùng. Nếu bạn có một website thì tiếp theo là phải nghiên cứu từ khóa sao cho khi người dùng tìm kiếm thông tin về các mối quan tâm của họ trên Google, họ có thể tìm thấy website của bạn với thông tin về sản phẩm. 

・Quảng cáo online

Quảng cáo online thông thường có rất nhiều loại nhưng bạn có thể sử dụng hai loại quảng cáo online rất thông dụng là quảng cáo tìm kiếm và quảng cáo hiển thị. Quảng cáo tìm kiếm là quảng cáo khi người dùng tìm kiếm từ khóa và website của bạn được lên rank cao nhất cho từ khóa bạn đặt trước. Còn quảng cáo hiển thị là sử dụng hình ảnh đặt ở các website liên quan để thu hút Khách hàng. 

Ví dụ nhé, bạn bán nước trái cây hương việt quất, bạn có thể cài đặt các từ khóa trong Google Ads như “công dụng quả việt quất tới sức khỏe”, “lợi ích sức khỏe từ nước ép quả việt quất”, “nước việt quất thiên nhiên”, “nước việt quất giá rẻ”…. Khi Khách hàng tìm kiếm những từ khóa này, quảng cáo của bạn hiện ra và Khách hàng click vào quảng cáo, mua hàng và bạn có lợi nhuận. 

Nếu bạn dùng quảng cáo hiển thị thì thay vì phải cài đặt các từ khóa, bạn sẽ phải khoanh vùng các loại website mà bạn muốn quảng cáo hiện ra. Ví dụ, bạn bán nước ép trái cây việt quất thì bạn có thể khoanh vùng các website liên quan tới sức khỏe, làm đẹp, mẹ bầu và bé… Nói chung là tất cả các website bạn nghĩ rằng Khách hàng tiềm năng của mình có thể tập trung. 

Thông thường, quảng cáo hiển thị sẽ có thể kêu gọi số lượng Khách hàng tương đối rộng nhưng tỷ lệ chuyển đổi từ quảng cáo ra Khách hàng thì quảng cáo tìm kiếm sẽ cao hơn! Hãy cân nhắc ngân sách nhé! 

・Quảng cáo retargeting 

Quảng cáo retargeting là quảng cáo theo đuổi hay quảng cáo tiếp thị lại. Quảng cáo này nhắm tới người dùng đã vào website của bạn rồi, và bạn cài đặt quảng cáo để đuổi theo Khách hàng đó. Ví dụ nhé, bạn sử dụng quảng cáo hiển thị, đặt quảng cáo ở một website về dinh dưỡng cho tuổi 30. Ở đó có Khách hàng A click vào quảng cáo của bạn, và Khách hàng đó vào website của bạn xem thông tin và xem sản phẩm. 

Thông thường, nếu Khách hàng A này xem xong thông tin và thoát ra website thì sẽ là hết, bạn sẽ mất dấu. Tuy nhiên, đối với quảng cáo retargeting, bạn vẫn có thể đuổi theo Khách hàng A nếu Khách hàng A xem các website khác. Và lúc đó, banner quảng cáo sản phẩm của bạn sẽ hiện ra, giúp Khách hàng A không thể quên được thương hiệu của bạn! 

・Quảng cáo video 

Quảng cáo video thì bạn có thể sử dụng YouTube, nền tảng video trực tuyến lớn nhất thế giới. Với YouTube, bạn sẽ có lựa chọn để đăng tải quảng cáo bạn chuẩn bị sẵn và phát lên với các Khách hàng  mục tiêu được đặt sẵn. Bạn nên chọn các kênh video có liên quan tới sản phẩm của bạn và quảng cáo nên đặt ở đầu (trước khi phát video) để cho hiệu quả cao nhất. 

・Mạng xã hội SNS

Thật thiếu sót khi không đề cập tới SNS trong việc lập kế hoạch marketing cho sản phẩm nước giải khát. Với mạng lưới người dùng phủ rộng khắp, bạn sẽ dễ dàng truyền tải được nội dung tới Khách hàng thông qua các bài post ngắn hay các video. Với SNS, bạn cũng có thể sử dụng hình thức quảng cáo thông qua SNS để thu hút Khách hàng nữa. Tuy làm SNS để xây dựng thương hiệu sẽ tốn thời gian, công sức trong việc xây dựng content, nhưng thành quả bạn thu về sẽ rất có giá trị và được lan rộng hơn rất nhiều so với các loại hình quảng cáo thông thường. 

・Email marketing 

Marketing thông qua email có thể không phải là phương án tốt nhất cho thương hiệu của bạn ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu bạn có một danh sách email các Khách hàng tiềm năng thì việc quảng bá sản phẩm mới thông qua email sẽ không còn là thách thức. Để Khách hàng có thể cung cấp email của mình, bạn cần phải cung cấp gì đó có giá trị tới Khách hàng. Ví dụ, thông tin hữu ích về đồ uống có liên quan tới sức khỏe, phiếu mua hàng giảm giá, quay số Khách hàng trúng thưởng (Kết quả thông báo qua email), giao lưu với chuyên gia dinh dưỡng (Đăng ký qua email)… Với các cách như trên, bạn hoàn toàn có thể nhận được email từ nhiều Khách hàng tiềm năng để có thể quảng bá sản phẩm trong tương lai. 

2. Các chương trình khuyến mãi 

Ưu đãi theo mùa và ưu đãi đặc biệt là các chương trình khuyến mãi bạn có thể lên kế hoạch để thu hút Khách hàng tiềm năng. Đặc biệt với các Khách hàng thân quen thì một vài chuyến dịch khuyến mãi quà tặng có thể là cơ hội tốt để bạn thu hút được sự quan tâm đồng thời quảng cáo hình ảnh thương hiệu hoặc sản phẩm mới… 

3. Hợp tác với thương hiệu đã có tiếng 

Một cách dễ dàng để xây dựng lòng trung thành của Khách hàng là liên kết với các thương hiệu hiện tại, đã có tiếng, hoặc có lượng Khách hàng mạnh mẽ. Để có thể sử dụng cách này, bạn không cần phải sốt sắng làm dồn dập ngay từ đầu, mà chỉ cần đặt biểu tượng của thương hiệu đồ uống của bạn cạnh thương hiệu nổi tiếng là được. 

4. Bán cho Khách hàng cũ

Chắc hẳn bạn đã nghe câu nói rằng “chi phí để có một Khách hàng mới sẽ cao gấp 5 lần so với giữ chân Khách hàng cũ”. Tất nhiên mở rộng mạng lưới Khách hàng là điều nên làm, tuy nhiên, hãy tự hỏi, liệu Khách hàng cũ của bạn đã được chăm sóc đầy đủ chưa? Có các chiến dịch nào đang chạy hướng vào Khách hàng cũ? Nếu bạn thấy các câu trả lời trên vẫn còn mơ hồ, hãy ngồi lại và nghĩ thêm các cách để có thể chăm sóc tệp Khách hàng cũ của bạn một cách cẩn thận nhất. 

Xem thêm các bài viết tổng hợp về chiến lược marketing tại đây. 

E. Lời kết

Trên đây là các cách để lập kế hoạch marketing cho sản phẩm nước giải khát. Tuy có những đặc thù của riêng ngành đồ uống, nhưng lập kế hoạch marketing cho sản phẩm nước giải khát cũng sẽ có những điểm chung như phân khúc thị trường, khoanh vùng thị trường Khách hàng tiềm năng, tiếp cận Khách hàng với những thông điệp của Doanh nghiệp! Hy vọng bài viết của mình có ích với bạn!

Nguồn tham khảo:

https://www.oberk.com/packaging-crash-course/breaking-into-the-beverage-industry

What's your reaction?

Excited
0
Happy
0
In Love
0
Not Sure
0
Silly
0
maneko
Tên thường gọi: maneko-chan. Chuyên về BtoB marketing và digital marketing, thích đọc các bài viết về chiến lược marketing, chiến lược kinh doanh của các thương hiệu tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Thành thạo Việt Anh Nhật. Yêu thiên nhiên, thích đọc sách, chơi với mèo và ăn vặt ^^

You may also like

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.