Ma trận SWOT của công ty Vinamilk: Vinamilk là một trong những thương hiệu sữa hàng đầu tại Việt Nam với sức phủ sóng mạnh về thương hiệu và chất lượng sản phẩm, Vinamilk luôn tin vào một tương lai đầy triển vọng của thị trường sữa Việt nam. Bài viết dưới đây phân tích các điểm mạnh và điểm yếu của Vinamilk, cũng như các cơ hội và thách thức mà thương hiệu này có thể gặp phải trong tương lai. Các yếu tố được xem xét bao gồm cả bên ngoài lẫn bên trong. 

1. Vài nét về công ty Vinamilk 

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là công ty sữa số một tại Việt Nam với hơn 250 sản phẩm sữa, bao gồm đa chủng loại như sữa tươi, sữa chua, sữa đặc, sữa đậu nành và nhiều sản phẩm liên quan tới sữa khác. Vinamilk được thành lập năm 1976 với sự hợp nhất của ba thương hiệu sữa tại Việt Nam là Dielac, Trường Thọ và Thống Nhất. 

Bằng việc chứng tỏ sự phát triển nhất quán và đồng nhất trong suốt chiều dài lịch sử hình thành, Vinamilk đã có được nhiều kết quả rất đáng tự hào như trở thành top 10 hàng Việt Nam chất lượng cao liên tiếp trong 8 năm, top 10 hàng Việt Nam được ưa chuộng… Vinamilk có tầm nhìn trở thành công ty tốt nhất tại Việt Nam với các sản phẩm chất lượng cao và giá cả cạnh tranh. Và tầm nhìn này sẽ được hiện thực hóa dưới sự lãnh đạo của giám đốc Mai Kiều Liên, người giữ chức vụ giám đốc Vinamilk từ năm 2003.

Tên thương hiệu Vinamilk 
Logo Coca cola logo
Tên đầy đủ tiếng Việt Công ty cổ phần Sữa Việt Nam
Tên đầy đủ tiếng Anh Vietnam Dairy Products Joint Stock Company
Mã giao dịch chứng khoán VNM
Năm thành lập 1976
Giám đốc Mai Kiều Liên
Doanh thu của công ty 52.63 nghìn tỷ đồng (2018)
Lợi nhuận của công ty 10.278 nghìn tỷ đồng (2017)
Các thương hiệu con Vinamilk, Dielac, Susu, Vfresh, Ong Tho, Probi.. 
Các mặt hàng chính Sữa bột, sữa nước, sữa đặc, sữa chua, men vi sinh, kem, nước ngọt.. 
Bảng giới thiệu thông tin về Vinamilk 

2. Vài nét về sản phẩm sữa Vinamilk

Là thương hiệu hàng đầu trong ngành sữa tại Việt Nam, Vinamilk chiếm tới 50% thị phần với hàng loạt sản phẩm có giá trị dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Sản phẩm sữa của Vinamilk là sữa tươi 100% được chế biến theo công nghệ UHT, cho phép sữa được đun nóng tới 140 độ C trong vòng 4-6 giây rồi làm lạnh nhanh chóng để tiêu diệt vi khuẩn có hại, các loại nấm men, nấm mốc nhưng vẫn giữ được tối đa hương vị tự nhiên và chất dinh dưỡng. 

Với cam kết không sử dụng chất bảo quản, sản phẩm của Vinamilk luôn đáp ứng được nhu cầu an toàn về thực phẩm. Tính theo doanh số và sản lượng, Vinamilk là nhà sản xuất sữa hàng đầu tại Việt Nam với nhiều danh mục sản phẩm bao gồm: sản phẩm chủ lực là sữa nước và sữa bột; sản phẩm có giá trị cộng thêm như sữa đặc, yoghurt ăn và yoghurt uống, kem và pho mát. 

Không những vậy, Vinamilk còn cung cấp nhiều sản phẩm với nhiều hương vị như socola, dâu tây, không đường, ít đường, có đường, ít chất béo… với nhiều thể tích khác nhau như hộp giấy 110ml, hộp giấy 180ml và hộp giấy 1L  nhằm đáp ứng  nhu cầu về tiêu thụ sản phẩm sữa trong nước. Các bao bì giấy của sản phẩm sữa Vinamilk cũng là các bao bì có thể tái chế. 

ma-tran-swot-cua-cong-ty-vinamilk

Ma trận SWOT của công ty Vinamilk (Nguồn: Vinamilk)

3. Ma trận SWOT của công ty Vinamilk 

Điểm mạnh (Strengths) của công ty Vinamilk 

・Lịch sử hình thành lâu đời

Vinamilk được thành lập từ năm 1976 với sự hợp nhất của ba công ty sữa Việt nam thời bấy giờ là Dielac, Trường Thọ và Thống Nhất. Trong suốt 34 năm phát triển, dưới sự dẫn dắt tài tình và tầm nhìn đầy chiến lược của giám đốc Mai Kiều Liên, Vinamilk đã trở thành một thương hiệu quen thuộc với nhiều dòng sản phẩm đa dạng, chất lượng cũng như sự tin cậy trong lòng Khách hàng trong nước. 

・Nhiều giải thưởng cao quý

Không chỉ có ban lãnh đạo tài tình với tầm nhìn chiến lược, Vinamilk còn có những cam kết rất chắc chắn trong áp dụng mô hình quản lý tiên tiến. Điều này được thể hiện rất rõ khi cơ cấu quản lý của công ty thể hiện sự minh bạch vượt trội so với các công ty Việt Nam khác. Kết quả là Vinamilk đã đạt được rất nhiều thành tích nổi bật như top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do Forbes bình chọn (2016-2020), top 10 Doanh nghiệp phát triển bền vững (2016-2020), top 50 Doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam (2013-2020), top 20 hàng Việt nam chất lượng cao (1995-2020)… 

Xem thêm thành tích của Vinamilk:
https://www.vinamilk.com.vn/vi/thanh-tich-noi-bat

・Dòng sản phẩm đa dạng

Không chỉ đầu tư vào sữa bột và sữa nước, Vinamilk còn cam kết phát triển nhiều sản phẩm dinh dưỡng hơn cho Khách hàng trong nước. Ví dụ trong năm 2014, Vinamilk đã cho ra mắt 29 sản phẩm mới và cải tiến 58 dòng sản phẩm hiện tại. Các sản phẩm bao gồm, sữa chua (dạng hộp vỉ, dạng uống, không đường, ít đường), sữa đặc caramen, sữa đậu nành, đồ uống năng lượng, nước ép trái cây, kem trái cây đủ vị, thức uống trà xanh… 

・Quản lý minh bạch, tỷ suất doanh thu cao

Nhờ sự phong phú trong đa dạng mặt hàng sản phẩm, doanh thu của Vinamilk không ngừng tăng liên tự kể từ năm 2008. Đặc biệt từ năm 2014-2017, doanh thu của Vinamilk đã liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng hai con số, từ 6 nghìn tỷ đồng (2014) tời 10 nghìn tỷ đồng (2017). Ngoài ra, Vinamilk còn liên tục quản lý rất chặt chẽ tình hình tài chính của mình. Ví dụ từ năm 2010-2014, Vinamilk không có nợ vay, tỷ suất lợi nhuận luôn duy trì trên 30%, dòng tiền luân chuyển không ngừng thể hiện những con số tích cực. Trong mối quan hệ với các nhà đầu tư, Vinamilk cũng không ngừng tổ chức các chuyển thăm quan nhà máy cho các nhà đầu tư thường niên. Vì dụ năm 2014 con số này là 18 chuyến thăm cho 250 nhà đầu tư và cổ đông. 

mo-hinh-swot-cua-cong-ty-vinamilk

 ・Mạng lưới phân phối

Hệ thống phân phối cũng là một yếu tố đáng chú ý khác của Vinamilk khi Doanh nghiệp này đang từng bước mở rộng hệ thống phân phối rộng khắp và trải dài trên toàn quốc. Đây được coi là yếu tố quyết định thành công của một Doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng khi cho phép Doanh nghiệp đưa các sản phẩm cốt lõi của mình tới tay người tiêu dùng một cách hiệu quả. 

Vinamilk có mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước. TÍnh tới năm 2014, Doanh nghiệp này đã có 268 nhà phân phối sản phẩm cho 215.000 điểm bán lẻ, 650 siêu thị lớn nhỏ và 74 showrooms. Ngoài ra, Vinamilk cũng ký hợp đồng với nhà mạng Viettel để phát triển hệ thống quản lý phân phối DMS.ONE, nhằm giúp nhân viên kinh doanh và nhà phân phối của Vinamilk có thể kết nối với nhau ngay lập tức và liên tục. 

・Ứng dụng công nghệ tiên tiến

Vinamilk sở hữu công nghệ sản xuất châu Âu đạt tiêu chuẩn toàn cầu, Thiết bị khử trùng của Vinamilk được nhập khẩu từ Thụy Điển cùng các trang thiết bị khác có xuất xứ từ các nước châu Âu. Các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 50001: 2011 và HACCP đều được áp dụng để kiểm soát hệ thống sản xuất. Năm 2014, Vinamilk tăng thêm 27 trạm trung chuyển được nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng số trạm đạt tiêu chuẩn toàn cầu lên 45 trạm. Với hệ thống sản xuất hiện đại, đạt tiêu chuẩn toàn cầu, Vinamilk đã có thể mang tới cho người tiêu dùng những sản phẩm đạt chất lượng quốc tế, giúp công ty mở rộng kinh doanh, đạt được những kỳ vọng tăng trưởng doanh số bán hàng trong ngắn hạn. 

Những nhà máy hiện đại trong nước cũng giúp Vinamilk giảm thiểu được chi phí vận chuyển và hệ thống máy móc, thiết bị được cải tiến và mở rộng hàng năm giúp Vinamilk đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu ra quốc tế. 

Các bài viết liên quan

Phân tích SWOT của TH True Milk
Phân tích SWOT của thương hiệu Unilever 

・Nhân tố con người

Để Vinamilk đạt được nhiều thành tựu như hiện nay, phải kể tới công sức lãnh đạo rất to lớn của giám đốc Mai Kiều Liên. Giám đốc Mai Kiều Liên được coi là một trong những doanh nhân sáng tạo và thành công nhất của đất nước, người đã được lọt vào danh sách 50 phụ nữ quyền lực nhất châu Á do Forbes Asia bình chọn trong bốn năm liên tiếp (2012-2015). Bà đã gắn bó với Vinamilk từ những ngày thành lập và là người có tầm nhìn xa, đằng sau sự phát triển thịnh vượng của Vinamilk. Dưới sự lãnh đạo của giám đốc Mai Kiều Liên, Vinamilk đã phát triển thành một trong những thương hiệu uy tín nhất, có doanh thu cao nhất tại Việt nam và trên toàn châu Á. 

mo-hinh-swot-cua-cong-ty-vinamilk

Điểm yếu (Weaknesses) của công ty Vinamilk 

・Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài

Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu là một trong những điểm yếu của Vinamilk. Khi nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sản xuất, thì 70% nguồn cung và tỷ lệ nguyên liệu đầu vào phụ thuộc vào quan hệ cung-cầu sữa của thể giới.  

・Mở rộng thị trường

Thị trường xuất khẩu chính của Vinamilk bao gồm các nước trong khu vực Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Do đó, vẫn còn một chặng đường dài để Vinamilk có thể thâm nhập vào thị trường châu Âu hoặc Mỹ. 

・Quá nhiều yếu tố ảnh hưởng tới doanh thu

Việt Nam đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh chóng với tốc độ tăng 2,95%/năm. Hiện tại, khoảng 33.6% dân số sống ở các thành phố đô thị. Tuy tỷ lệ công dân thành thị đã tăng trong những năm gần đây nhưng tỷ lệ này vẫn còn quá thấp so với 54% tỷ lệ trung bình của thế giới. Về thu nhập, người Việt Nam vẫn chủ yếu ở tầng lớp trung lưu thấp. Vậy nên nếu có trường hợp, nền kinh tế tăng trưởng chậm thì nguy cơ người dân hạn chế tiêu thụ các sản phẩm từ sữa (vốn không phải nguồn dinh dưỡng chính) tăng cao. 

Năng suất chăn nuôi bò sữa thấp và giá sữa tươi nguyên liệu cao trên thế giới cũng làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của Công ty. Ngoài ra, việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài khiến doanh thu của Vinamilk chịu tác động khá lớn từ nền kinh tế trong và ngoài nước. Viễn cảnh xấu nhất là khi Vinamilk chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến giá nguyên vật liệu tăng, và song song đó là chịu ảnh hưởng của tỷ lệ lạm phát cao ở Việt Nam khiến tỷ suất lợi nhuận giảm.  

Không những thế, những biến đổi về tỷ giá ngoại tệ cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới Doanh thu của Vinamilk khi 50% nguyên liệu thô của Công ty được nhập khẩu và 30% doanh thu đến từ xuất khẩu. Nếu có bất cứ biến động nào của tỷ giá đối hoái, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty. 

Ngoài ra, Vinamilk còn có một vài điểm yếu có thể kể tới như: 

・Tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục trong nhiều năm gây áp lực mạnh mẽ lên Công ty cùng đội ngũ quản lý nhân sự. 
・Nhiều sản phẩm mới được nghiên cứu nhưng chưa bước vào giai đoạn thử nghiệm tung ra thị trường.

mo-hinh-swot-cua-cong-ty-vinamilk

Cơ hội (Opportunities) của công ty Vinamilk 

・Nhu cầu sữa tăng cao của nhóm Khách hàng tiềm năng

Rất nhiều bài phân tích về nhân khẩu học tại Việt Nam đã chỉ ra rằng, Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các công ty sản xuất sữa, đặc biệt đối với Vinamilk. Tổng sản lượng tiêu thụ sữa của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Các sản phẩm sữa cho nhu cầu đặc biệt vẫn còn chưa được phổ biến, trong khi giá thành của các sản phẩm nhập khẩu lại có giá cao. Do đó, Vinamilk vẫn có nhiều cơ hội phát triển trong dài hạn. 

Chưa kể, Việt Nam có mật độ dân số cao, tỷ lệ dân có xu hướng đô thị hóa trong những năm gần đây tăng, trình độ học vấn tăng cao, thu nhập của tầng lớp trung lưu cũng dần được cải thiện… Những yếu tố trên khiến hành động mua sắm của Khách hàng đối tượng mà Vinamilk đang nhắm tới có sự thay đổi đáng kinh ngạc.  

Ví dụ với trình độ học vấn tăng cao, giới trẻ Việt Nam có cơ hội được giao thoa với những kiến thức và văn hóa ở phương Tây, hiểu biết hơn về tác dụng của sữa với cơ thể nên họ có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm từ sữa nhiều hơn. Tốc độ đô thị hóa dân số nhanh, sự gia tăng số lượng của tầng lớp trung lưu khiến cho tốc độ tiêu thụ sữa được tăng lên. Đây chính là tầng lớp có thu nhập và sẵn sàng chi tiêu cho các nhu yếu phẩm tốt cho sức khỏe. 

Không những thế, mô hình gia đình hạt nhân (các hộ gia đình nhỏ hơn) cũng mang lại cơ hội cho Vinamilk khi cha mẹ có cơ hội quan tâm tới con cái giúp tăng thêm cơ hội chiến thắng cho Vinamilk khi công ty này đang nhắm vào phân khúc thị trường trẻ em. Ngoài ra, phân khúc Khách hàng tại khu vực nông thôn cũng không nằm ngoài tầm ngắm của Vinamilk khi tầng lớp này chiếm tới 46% tổng sản phẩm tiêu thụ của ngành hàng tiêu dùng. Vinamilk đang tiến hành quảng bá và phân phối nhiều sản phẩm hơn ở khu vực nông thôn nhằm nâng cao nhận thức về giá trị sức khỏe của các sản phẩm sữa.

・Thay đổi các chính sách về mặt hàng sữa từ Chính phủ

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã có rất nhiều tác động to lớn tới ngành sữa trong nước. Cụ thể là từ sau khi Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN và WTO năm 1995 và 2007. Vào tháng 7 năm 2010, Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt quy định yêu cầu các sản phẩm sữa, đặc biệt sữa cho trẻ em phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định. Hay ngân sách cho phát triển ngành công nghiệp sữa 2 tỷ VND tới năm 2020, cũng như phê duyệt chương trình kiến tạo sáng kiến nhằm tăng chiều cao trung bình cho người Việt Nam, hay chính sách ưu tiên hàng nội địa với tiêu chí “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”….

Những thay đổi trên có tác động to lớn tới Vinamilk, đóng vai trò vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Với sự hợp tác từ Chính phủ, các bộ ban ngành liên quan,, Vinamilk có thể xuất hiện trước người tiêu dùng như một tổ chức có thực hiện các chiến dịch với nhiều trách nhiệm xã hội, giúp tăng điểm cộng của thương hiệu Vinamilk trong lòng người sử dụng. 

・Mở rộng mạng lưới xuất khẩu

Hiện tại, các sản phẩm của Vinamilk đã được xuất khẩu sang hơn 16 quốc gia, góp khoảng 14% tổng doanh thu. Tuy nhiên, Vinamilk vẫn có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và hoạt động kinh doanh ra nước ngoài. 

 

mo-hinh-swot-cua-cong-ty-vinamilk

・Đa dạng hóa nguồn cung và mạng lưới phân phối nội địa

Vinamilk đang có kế hoạch mở thêm các điểm bán lẻ, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Vinamilk trong nước. Ngoài ra, Vinamilk cũng có kế hoạch phát triển nguồn cung bò sữa trong nước, giúp giảm gánh nặng kinh phí của nguyên liệu nhập khẩu.  

Tính tới quý 2 năm 2019, Vinamilk hiện có hơn 200 nhà phân phối với tổng số điểm lẻ đạt 251,000 điểm. Đối với các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi, Doanh nghiệp này đang cố gắng phấn đấu phủ sóng toàn bộ mạng lưới trong nước. Số lượng của chuối cửa hàng giấc mơ sữa Việt cũng tăng tới con số 430 cửa hàng. 

Cũng trong quý 2 năm 2019, Vinamilk có 12 trang trại bò sữa đạt chuẩn Global G.A.P.. Hai trong số 10 trang trại do công ty bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa quản lý. Tổng số bò sữa hiện được Vinamilk nuôi dưỡng là 30,000 con. Hệ thống trang trại sữa của Vinamilk vẫn đạt chuẩn quốc tế, có chế độ chăm sóc và khẩu phần dinh dưỡng đặc biệt. 

Các trang trại bò sữa trong nước với chứng nhận quốc tế có vai trò rất quan trọng đối với Vinamilk, giúp công ty giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung quốc tế, do đó ít bị biến động về tỷ giá hối đoái. Hơn nữa, việc chiếm ưu thế so với nguồn cung trong nước mang lại cho Vinamilk sức mạnh to lớn trong việc định giá, cho phép công ty cung cấp các sản phẩm với giá rất phải chăng. Cho tới nay, Vinamilk là một trong những thương hiệu có giá cả phải chăng nhất tại Việt Nam và điều này có thể giải thích tại sao công ty hoàn toàn thống trị thị trường sữa trong nước. 

・Xu hướng tiêu dùng sản phẩm hướng tới sức khỏe

Như trên đã đề cập, việc người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp trung lưu có thu nhập tăng tạo một cơ hội rất lớn tới Vinamilk. Theo báo cáo tiêu dùng của Nielsen thì Khách hàng ngày nay quan tâm sâu sắc tới sức khỏe và có xu hướng mua các sản phẩm sức khỏe. Và khi nói tới thực phẩm bổ sung sức khỏe thì đa phần người tiêu dùng sẽ đề cập tới sữa, thực phẩm thứ hai trong các sản phẩm dinh dưỡng. 

Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng tăng cao, Vinamilk đã được tổ chức Bản lẻ Anh quốc (British Retail Consortium) công nhận tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đóng góp cho việc gia tăng lợi thế, tăng trưởng doanh số và mở rộng thị trường. Chính niềm tin vào thực phẩm dinh dưỡng, xu hướng phát triển của thị trường thực phẩm tốt cho sức khỏe, thu nhập cao đã trở thành nhân tố tiếp theo cho sự phát triển của Vinamilk.

mo-hinh-swot-cua-cong-ty-vinamilk

Thách thức (Threats) của công ty Vinamilk

・Cạnh tranh với các thương hiệu sữa nội địa

Vinamilk là thương hiệu hàng đầu trong ngành sữa Việt Nam, với 48,7% thị phần. Tuy nhiên, thương hiệu này cũng đang phải đối mặt với ngày càng nhiều đối thủ khác nhau từ thị trường sữa nội địa. 

Hai đối thủ trực tiếp và lớn nhất là Dutch Lady và TH True Milk lần lượt chiếm 25.7% và 7.7% thị phần. Đó cũng chưa kể tới các đối thủ mới nổi như Love In Farm và các thương hiệu nước ngoài như Meadow Fresh hay Table Cove. 

Việc gia tăng số lượng công ty cạnh tranh gây ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho Vinamilk như giảm sự đa dạng về sản phẩm sữa (cạnh tranh ở thị trường ngách), khó duy trì được Khách hàng trung hàng, mất đi các thị phần sữa vào tay đối thủ cạnh tranh… 

Vậy nên trong tương lai, Vinamilk cần có những tầm nhìn và hướng đi đúng đắn hơn nữa trên thương trường sữa Việt Nam. 

Xem thêm:

Phân tích mô hình SWOT của Coca-Cola
Phân tích ma trận SWOT của thương hiệu cà phê Trung Nguyên
Phân tích chiến lược SWOT của hãng cà phê Starbucks

・Cạnh tranh với thương hiệu quốc tế

Không chỉ cạnh tranh chuyên sâu với các thương hiệu sữa trong nước, Vinamilk còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường sữa, đặc biệt là đối với các công ty sữa nổi tiếng trên thế giới. 

Với việc Việt Nam gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế như ASEAN hay WTO, giảm thuế đối với các mặt hàng sữa nhập khẩu… đã tạo nên những thách thức không nhỏ đối với Vinamilk trong vấn đề cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế. Theo đó, Vinamilk sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn hoặc có thể mất thị phần vào tay các thương hiệu toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với việc mở cửa hội nhập, Vinamilk có thể xây dựng các nhà máy chế biến ở các nước lân cận, từ đó giúp giảm chi phí sản xuất. 

・Biến đổi tỷ giá ngoại tệ

Như phần điểm yếu cũng đã trình bày, chênh lệch giữa tỷ giá ngoại tệ giữa các nước cũng là một mối đe dọa của Vinamilk trong tương lai. Với 50% nguyên liệu thô được nhập khẩu và 30% doanh thu của công ty từ xuất khẩu, sự biến động trong tỷ giá ngoại tệ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của công ty. 

mo-hinh-swot-cua-cong-ty-vinamilk

Mô hình SWOT của công ty Vinamilk (Nguồn: Vinamilk)

・Thói quen tiêu thụ sữa của người dùng

So với các nước phương Tây thì người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa có thói quen uống sữa thường xuyên và đây được coi là một khuôn mẫu văn hóa quan trọng đối với Vinamilk. 

Mức tiêu thụ sữa ở Việt Nam vẫn còn rất thấp khi so sánh với các quốc gia khác. Ví dụ, trung bình một người Việt Nam chỉ tiêu thụ trung bình 15 lít sữa mỗi năm trong khi người Thái Lan tiêu thụ 23 lít và người Trung Quốc tiêu thụ tới 25 lít. 

Lý do cho việc này có thể nằm ở quan niệm của người tiêu dùng Việt Nam răng sữa là sản phẩm chỉ dành cho trẻ em, uống sữa không tốt bằng cơm gạo… Những suy nghĩ ăn sâu trong tiềm thức của người tiêu dùng vẫn cần những chiến dịch quảng cáo và tiếp thị marketing tài tình của Vinamilk thử sức. 

Các bài viết tổng hợp về phân tích SWOT xem thêm tại link. 

Lời kết

Bài viết trên đã phân tích ma trận SWOT của công ty Vinamilk với sự tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu, mới nhất, đầy đủ nhất năm 2020. Hy vọng với những kiến thức tổng hợp ở trển, bạn đọc đã có thể tìm cho mình một nguồn dữ liệu chuẩn xác và tin cậy cho vấn đề phân tích ma trận SWOT của công ty Vinamilk. 

What's your reaction?

Excited
0
Happy
1
In Love
2
Not Sure
-1
Silly
0
maneko
Tên thường gọi: maneko-chan. Chuyên về BtoB marketing và digital marketing, thích đọc các bài viết về chiến lược marketing, chiến lược kinh doanh của các thương hiệu tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Thành thạo Việt Anh Nhật. Yêu thiên nhiên, thích đọc sách, chơi với mèo và ăn vặt ^^

You may also like

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.