Chiến lược kinh doanh nhà thuốc
Chiến lược kinh doanh nhà thuốc: Nhà thuốc là một trong những địa điểm quan trọng, không thể thiếu trong cuộc sống đối với bất cứ một ai trong xã hội hiện nay. Đối với các bệnh triệu chứng nhẹ, thay vì mất thời gian và công sức tới những bệnh viện lớn, ngồi chờ lấy số khám thì chỉ cần ghé thăm một nhà thuốc địa phương là Khách hàng (bệnh nhân) đã có thể nhận được rất nhiều tư vấn tận tình cũng như những chỉ dẫn sử dụng thuốc an toàn từ những dược sĩ có trình độ. Với tầm quan trọng như vậy, nếu có thể hoàn thành được nghĩa vụ của mình, giúp cho bệnh nhân hiểu được tình trạng sức khoẻ của mình, cải thiện được bệnh tật, giúp họ có một lối sống lành mạnh thì nhà thuốc sẽ có thế duy trì được sự uy tín, tạo được niềm tin cũng như giữ vững được lợi nhuận của mình.
Theo lẽ đương nhiên, khi bắt đầu kinh doanh bất cứ một hoạt động nào thì một kế hoạch kinh doanh với những chỉ số lợi nhuận, độ hài lòng của Khách hàng, chỉ số tín nhiệm của nhân viên… là những thứ không thể thiếu. Tuy nhiên, đối với những mục tiêu đầy con số như vậy, một chủ cửa hàng nhà thuốc nên làm gì để hiện thực hoá được bản kế hoạch kinh doanh của mình? Bài viết dưới đây tổng hợp các chiến lược kinh doanh nhà thuốc một cách đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất giúp bạn và nhà thuốc của mình có thể đạt được các mục tiêu trong quá trình vận hành một nhà thuốc.
1. Thay đổi sơ đồ mặt bằng nhà thuốc
Một trong những bước đi đầu tiên là trong chiến lược kinh doanh nhà thuốc là kiểm tra lại sơ đồ mặt bằng. Nghe thoáng qua thì có thể yếu tố này không liên quan gì lắm tới việc thúc đầy doanh số, tuy nhiên rất nhiều nghiên cứu về tâm lý của Khách hàng ở lĩnh vực bán lẻ dược phẩm đã cho thấy, nhà thuốc của bạn càng tạo được cảm giác ấm cúng và thiện cảm bao nhiêu thì khả năng Khách hàng quay lại mua sản phẩm sẽ lại tăng cao. Vị trí ngồi của bạn và nhân viên của bạn như thế nào, có thể nhìn thấy Khách hàng ngay từ trước khi họ vào cửa hàng không? Khách hàng có thể dễ dàng tấp xe máy khi vào và dễ dàng quay đầu xe máy khi họ đi ra không? Khi Khách hàng đông thì quầy thanh toán và quầy tư vấn sẽ như thế nào? Khách hàng nếu đứng gần quầy tư vấn thì có xảy ra chuyện trộm tiền hàng không? Camera nên được bố trí như thế nào cho đủ? .. Rất nhiều câu hỏi đặt ra cho vấn đề bài trí cửa hàng.
Ngoài ra, nếu tận dụng khéo léo mặt bằng nhà thuốc thì bạn có thể có cơ hội gia tăng doanh số nữa. Ví dụ, một vài nơi ở cửa hàng sẽ có lưu lượng Khách hàng ra vào đông hơn các nơi khác, ví dụ như cửa ra vào, quầy ngồi chờ, quầy thanh toán… Với những nơi như vậy, bạn có thể bố trí những thông tin hữu ích về lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng tới Khách hàng, và lồng trong đó là các quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ. Bạn có thể đặt các sản phẩm mới được tung ra thị trường ở những địa điểm “nóng” như vậy nhằm thu hút sự chú ý của Khách hàng khi đi ra/vào. Hay thay đổi vị trí của đồ nội thất trong cửa hàng theo chu kỳ cũng là một ý tưởng mới giúp giữ cho cửa hàng luôn thú vị đối với Khách hàng.
2. Hãy là Khách hàng của cửa hàng
Bạn không nhầm đâu! Hãy thử đóng vai Khách hàng và bước vào cửa hàng của mình với “con mắt” của một Khách hàng khó tính, đánh giá mọi thứ và tự hỏi “Mình có thể đặt niềm tin và sức khỏe của bản thân vào hiệu thuốc này không?” và tự mình đưa ra những lý do dựa trên những thứ mình nhìn và cảm nhận. Nếu đột nhiên bản thân bạn cảm thấy do dự, bất an về bất kỳ một điều gì đó, thì chắc chắn Khách hàng sẽ cảm thấy do dự, bất an gấp nhiều lần. Một vài lời khuyên thêm trong hoạt động này là:
・Quên hết tất cả mọi thứ bạn biết về hiệu thuốc
Giả vờ quên hết những thứ thuộc về những thứ bạn từng biết rất rõ là điều rất khó nhưng không thể không làm được. Hãy thử đi dạo vài cửa hàng bất kỳ, có thể là cà phê, cửa hàng quần áo, nhà hàng,… ghi lại những điểm bạn thấy tốt và thử áp dụng vào nhà thuốc của mình cũng là một ý hay. Hoặc bạn có thể hỏi những ứng viên tới phỏng vấn vào nhà thuốc của bạn về cảm xúc và ấn tượng của họ khi bước chân vào cửa hàng.
・Nhận lời tư vấn của nhân viên cửa hàng
Trong thời gian sinh viên, mình có làm nhân viên bán hàng tại Nhật cho một cửa hàng điện thoại. Theo quy định tại đây thì cứ sáu tháng, công ty sẽ có một bài phỏng vấn năng lực của nhân viên với giám đốc cửa hàng. Bài phỏng vấn rất đơn giản, giám đốc sẽ là Khách hàng và mình sẽ phải giải thích các gói cước di động, máy móc, thiết bị sao cho phù hợp với nguyện vọng mà giám đốc đề ra. Lần nào mình cũng trót lọt và được tăng lương 😀
Ý mình muốn nói ở đây là, nếu bạn có nhà thuốc thì hãy là Khách hàng, và hỏi nhân viên về những triệu chứng bệnh mà một bệnh nhân có thể gặp. Với hoạt động này, bạn có thể thấy được năng lực trình độ cũng như có thêm cơ hội trao đổi với nhân viên về những tình huống bán hàng và tư vấn thuốc hàng ngày !
Xem thêm các bài viết liên quan
・Chiến lược marketing cho resort
・Phân tích ma trân SWOT trong kinh doanh nhà hàng
・Phân tích chiến lược SWOT trong quán cà phê
3. Đào tạo cách bán hàng upsell và cross-sell
Upsell và Cross-sell, nghe có vẻ không liên quan gì lắm tới chiến lược kinh doanh nhà thuốc tuy nhiên, đây thực sự là một chiến lược bán hàng hiệu quả, giúp tăng doanh số bán hàng nhưng vẫn tạo được thiện cảm với Khách hàng. Điều quan trọng trong nghệ thuật bán hàng upsell và cross -sell là tương quan win-win, đôi bên cùng có lợi.
Upsell hay bán hàng gia tăng, là kỹ thuật nhằm bán được sản phẩm cao cấp hơn và mắc tiền hơn sản phẩm mà khách hàng đã có hoặc đang muốn mua. Ngược lại, cross-sell hay kỹ thuật bán chéo là kỹ thuật bán hàng hoặc dịch vụ gia tăng khác có liên quan tới sản phẩm hoặc mà khách hàng muốn mua.
Ví dụ, Khách vào cửa hàng bạn và muốn mua một loại thực phẩm chức năng giúp tăng cường vitamin và khoáng chất cho cơ thể sau một ngày làm việc hiệu quả. Việc của bạn và nhân viên cửa hàng là ngoài việc tư vấn đúng loại thực phẩm chức năng cho Khách hàng, bạn có thể giới thiệu thêm các thực phẩm bổ sung khác mà bạn biết Khách hàng (bệnh nhân) của bạn sẽ cần, và thực sự là có tác dụng với sức khỏe. Bạn có thể giới thiệu để Khách hàng mua thêm, hoặc mua một sản phẩm khác, có mức giá trên mức giá đầu tiên mà Khách hàng đưa ra.
Điểm nghệ thuật trong bán hàng upsell và cross-sell là cố gắng đừng để Khách hàng cảm thấy mình bị ép mua, hoặc đang nghĩ bạn đang tạo lợi nhuận trên sức khỏe của họ. Điều này sẽ làm phản ngược lại với những mục tiêu và tầm nhìn của nhà thuốc mà bạn đã đặt ra!
4. Nghiên cứu tình hình bán hàng và lợi nhuận
Theo sát doanh thu và lợi nhuận so với mục tiêu đặt ra là điều luôn phải làm với tư cách là chủ. Bạn có thể thấy rằng việc phải kiểm tra và làm việc với các con số thật sự là tẻ nhạt nhưng thực tế ra, việc làm chủ và nắm vững các con số “biết nói” này giúp bạn rất nhiều trong quá trình triển khai kế hoạch kinh doanh. Ví dụ nhé, bạn có biết về chuyện giữ nước của thanh gỗ ngắn và thanh gỗ dài không?
Có một chiếc thùng gỗ, được tạo bởi rất nhiều thanh gỗ, có thanh ngắn, có thanh dài. Để có thể tăng được lượng nước trong thùng thì việc bạn phải làm không phải là làm sao để kéo dài thanh gỗ dài, mà phải tìm cách để khắc phục thanh gỗ ngắn.
Hãy thử tưởng tượng lượng nước là số lượng doanh thu bạn có thể đạt được, và các thanh gỗ chính là danh mục sản phẩm thuốc bạn có. Mục tiêu cuối cùng trong việc kinh doanh của bạn là làm thế nào để có thể gia tăng được doanh thu? Trong trường hợp này, bạn phải tìm cách phân loại danh mục sản phẩm thuốc và tìm ra danh mục nào tạo lợi nhuận, và danh mục nào đang bị tồn. Việc xem xét số liệu bán hàng này sẽ giúp bạn có những cải thiện để làm tăng doanh thu của sản phẩm đang bán chạy, trong khi tìm cách giảm thiểu những thiệt hại, hay tìm ra nguyên nhân cho những sản phẩm bị tồn. Nếu cần thiết, bạn có thể bỏ những danh mục có xu hướng không thể bán chạy trong tương lai.
Một lời khuyên là đừng bao giờ dựa vào trực giác của bản thân để đánh giá tình hình và đưa ra những phán đoán sai lầm. Hãy dựa vào những con số, chúng luôn biết “nói sự thật” và mách bảo bạn nên làm gì tiếp.
5. Xây dựng lòng tin với Khách hàng
1/ Cá nhân hoá chế độ chăm sóc Khách hàng
Trong thời đại hiện nay, trong một ngày con người phải tiếp cận rất nhiều luồng thông tin khác nhau, hậu quả dẫn tới việc bị quá tải trong nhiều trường hợp. Khách hàng của bạn cũng vậy. Vậy nên, thay vì khiến mọi người bị tràn ngập trong những quảng cáo không liên quan và duy trì tương tác ở mức trung bình, một lời khuyên tốt hơn cho bạn là hãy điều chỉnh chiến lược bán lẻ của mình, giúp mình nổi bật hơn trước đám đông.
Và trong trường hợp này, một chiến lược kinh doanh cho nhà thuốc, một cách tiếp cận tốt hơn và rất nên thử đó chính là triển khai kế hoạch cá nhân hoá nhắm tới Khách hàng. Ý tưởng này rất được thịnh hành tại các nhà thuốc của Nhật nên bạn hãy thử xem sao nhé!
Tại các nhà thuốc của Nhật, khi Khách tới mua hàng sẽ được nhân viên hỏi tận tình rằng có muốn làm thẻ thành viên (member card) không? Thông thường là Khách thường muốn làm vì những ưu đãi mà thẻ thành viên mang lại rất lớn, và nhân viên cũng thuyết phục bằng cách đưa ra những ví dụ như nếu có thẻ thành viên thì ngày 5, 10, 15 hàng tháng là sẽ có giảm giá 15% cho toàn bộ mặt hàng, và mua hàng sẽ được tích điểm liên tục để đổi lại thành tiền mặt….
Khi có được thông tin của Khách hàng như tên, địa chỉ, giới tính, số điện thoại… thì các thông tin mua hàng của Khách hàng sẽ được lưu lại và hàng tháng, các cửa hàng thuốc sẽ gửi các chương trình ưu đãi tới tận nhà của từng Khách hàng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là nội dung của các chương trình ưu đãi cho từng Khách hàng sẽ phụ thuộc vào lịch sử mua hàng của Khách hàng đó trong quá khứ.
Ví dụ, bạn A mua thuốc giảm cân tại nhà thuốc thì sau đó 1 tháng sẽ có hướng dẫn ưu đãi về các loại trà xanh giảm cân, thực phẩm chức năng giảm cân, các thông tin cần biết về giảm cân gửi tới từ nhà thuốc tới bạn A. Đặc biệt, tên người nhận của tờ hướng dẫn cũng ghi luôn họ và tên của bạn A, chứ không phải là mục tên bị để trống vì gửi đại trà cho tất cả mọi người. Đây chính là một cách cá nhân hoá mà bạn có thể áp dụng cho nhà thuốc của mình.
2/ Giữ gìn chất lượng sản phẩm thuốc
Chất lượng thuốc có liên quan mật thiết tới sức khoẻ của bệnh nhân và uy tín của nhà thuốc. Hiện nay, với tầm quan trọng của ngành dược tới xã hội nên rất nhiều cá nhân, tổ chức bỏ qua những giá trị đạo đức để chế tạo thuốc giá với số lượng lớn và bán ra với giá rất rẻ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chuỗi cung ứng thuốc toàn cầu đang trở nên rất phức tạp, 1/10 loại thuốc ở các nước thu nhập thấp và trung bình là không đạt tiêu chuẩn hoặc đang bị làm giả. Hơn nữa, các loại thuốc giả đã được báo cáo tìm thấy ở hơn 110 quốc gia.
Với tư cách là chủ một nhà thuốc, đâu là điều quan trọng đối với bạn? Lợi nhuận hay lòng tin của Khách hàng? Khi bạn đang phân vân giữa hai yếu tố này thì hãy nhớ, lợi nhuận nên được tạo ra từ lòng tin của Khách hàng.
Hãy cùng tham gia vào cuộc đua loại bỏ thuốc giả và thuốc kém chất lượng bằng cách đảm bảo rõ ràng về nguồn nhập, áp dụng quy trình đăng ký sản phẩm, sát sao với việc quản lý hạn sử dụng, luôn để mắt tới nơi bảo quản thuốc… Đây có thể là một quá trình dài và liên tục nhưng một khi tất cả mọi thứ đều được minh bạch và rõ ràng thì nhà thuốc của bạn sẽ được biết tới là nơi phân phối các sản phẩm có chất lượng cao nhất, giúp củng cố lòng tin giữa nhà thuốc của bạn và Khách hàng (bệnh nhân).
3/ Nâng cao trình độ và đào tạo nhân viên
Trình độ chuyên môn của dược sỹ bán hàng cũng là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng lòng tin với Khách hàng, đặc biệt trong ngành chăm sóc sức khoẻ như nhà thuốc. Vậy nên, hãy đảm bảo nhân viên bán hàng của bạn được đào tạo bài bản về chuyên môn cũng như quy trình bán hàng, cách xử lý cơ bản nhất với các trường hợp khẩn cấp.
Ngoài ra, việc thể hiện tài năng và trình độ chuyên môn cũng giúp gia tăng được lòng tin của Khách hàng. Ví dụ, ngoài việc cung cấp các thông tin mà Khách hàng yêu cầu, bạn và nhân viên của bạn có thể cung cấp thêm các thông tin liên quan, gửi thư hoặc email trình bày các xu hướng về sức khoẻ, phát quảng cáo về một loại bệnh cụ thể khi bệnh nhân tới lấy thuốc. Bằng cách cung cấp cho Khách hàng (bệnh nhân) các tài liệu và tài nguyên bổ sung, bạn và nhân viên đang cho thấy rằng nhà thuốc của bạn có kiến thức tiên tiến về ngành, là địa chỉ có thể tin cậy lâu dài.
Hơn nữa, việc thiết lập các cuộc họp nhóm nhỏ vào mỗi buổi sáng, hay hàng tuần cũng là một các để hướng dẫn cho nhân viên của bạn về một sản phẩm, một loại bệnh, một xu hướng nhất định có liên quan tới nhu cầu sức khoẻ. Và bạn cũng có thể đề ra những mục tiêu ví dụ như số lượng Khách hàng được giáo dục về một số vấn đề sức khoẻ nhất định bằng nhóm nhân viên của nhà thuốc. Việc liên tục có những mục tiêu và được đào tạo kiến thức bài bản giúp nhân viên của bạn cung cấp dịch vụ tốt hơn tới Khách hàng.
4/ Dịch chuyển trọng tâm bán hàng
Như tiêu đề của phần này, hãy luôn nhớ, sứ mệnh của nhà thuốc là cung cấp giải pháp, chứ không phải bán sản phẩm. Lợi ích chính của nhà thuốc, lý do để mọi người tìm tới nhà thuốc của bạn không phải là vì mua thuốc đơn thuần, mà là những giải pháp cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mọi người. Đừng tập trung vào việc gượng ép, bán thêm các sản phẩm mà bạn cho rằng sẽ mang lại nhiều doanh thu nhất cho nhà thuốc, mà thay vào đó là tìm các sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu tức thì của Khách hàng. Bạn hãy nêu ra quan điểm và tầm nhìn này với nhân viên để mọi người cùng chia sẻ.
5/ Mở rộng phạm vi bán hàng
Bạn nghĩ nhà thuốc của bạn chỉ có việc duy nhất là bán thuốc và thu tiền của Khách hàng? Nếu chỉ có như vậy thì chắc chắn bạn sẽ dính phải sự kèn cựa rất lớn từ các đối thủ cạnh tranh, những người có cửa hàng với địa thế đẹp hơn bạn, giá bán rẻ hơn bạn rất nhiều. Vậy nên, để tránh tình trạng xảy ra việc bị dồn vào bước đường cùng, hãy tự tạo cho mình một hướng đi mới trong cuộc chiến này, và mở rộng dịch vụ chăm sóc Khách hàng chính là điều mình muốn đề cập tới.
Ngày nay, với sự cung cấp ồ ạt của Internet, người tiêu dùng có xu hướng cảm thấy sợ và không tin về những thông tin mà mình có được. Người tiêu dùng muốn các thông tin được cập nhật đầy đủ, đặc biệt khi nói tới sức khoẻ của họ. Vậy nên, ngoài việc bán thuốc, bạn và nhà thuốc có thể mở rộng dịch vụ của mình bằng cách giúp người tiêu dùng tiếp cận với các chuyên gia có thể cung cấp thông tin chuyên sâu về tình trạng của Khách hàng.
Ví dụ như các buổi trò chuyện trực tuyến với chuyên gia về các loại bệnh mà người Việt hay gặp như mỡ máu, rối loạn lượng đường cao, lối sống lành mạnh để chống ung thư… Hãy để Khách hàng đăng ký là thành viên của nhà thuốc, giúp bạn có cái nhìn tổng quan về lịch sử mua hàng của Khách hàng, từ đó có những cách tiếp cận phù hợp về chủ đề cho các buổi trò chuyện. Hoặc có thể cho Khách hàng gặp trực tiếp các chuyên gia giúp họ có cơ hội được trao đổi các thắc mắc, thông qua cơ hội đó, bạn có thể lồng ghép các tờ quảng cáo, các bài giới thiệu về các thương hiệu và sản phẩm thuốc mà nhà thuốc bạn đang bán.
Việc mở rộng dịch vụ chăm sóc Khách hàng này giúp Khách hàng cảm nhận được sự chăm sóc mà họ cần, và họ không thể tiếp cận được ở bất kỳ một nhà thuốc nào. Đây cũng là cơ hội để bạn kết nối với Khách hàng trong một cộng đồng địa phương.
Xem thêm các bài viết liên quan
・Ma trận SWOT của công ty du lịch
・Ví dụ về mô hình SWOT từ Doanh nghiệp thực tế
6. Kết hợp mô hình bán hàng truyền thống và online
Với sự gia tăng không ngừng của thương mại điện tử, điều quan trọng là bạn phải tìm cách tiếp cận Khách hàng tiềm năng thông qua nhiều kênh chứ không phải chỉ thông qua việc bán hàng truyền thống.
Tại Nhật trong những năm gần đây, mình thấy nở rộ phong trào nạp thuốc trực tuyến. Nghĩa là Khách hàng nhận đơn thuốc ở bệnh viện, sau đó đặt mua thuốc online để có thêm những giảm giá hoặc ưu đãi về sản phẩm như được tặng kèm với một sản phẩm nào khác. Hoặc với các sản phẩm phải đặt mua định kỳ như kính sát tròng hoặc thực phẩm chức năng, thì Khách hàng hoàn toàn có thể đặt theo các gói như hai tuần, một tháng, ba tháng… được gửi hàng một lần. Mình cũng đặt thuốc cho bố mẹ mình kiểu này, cứ ba tháng nhà thuốc sẽ tự động gửi thuốc tới cho mình. Không sợ quên, cũng không mất công đặt đi đặt lại trên mạng.
Nếu sử dụng biện pháp đa kênh, hãy đảm bảo thông tin của tất cả các kênh được liên quan với nhau. Ví dụ Khách hàng A thường đặt trà giảm cân qua mạng, nhưng đột nhiên Khách hàng A có nhu cầu về vitamin làm đẹp da và mua trực tiếp ở cửa hàng để có tư vấn cụ thể hơn từ dược sỹ. Trong trường hợp này, thông tin lịch sử mua trà giảm cân của Khách hàng A, cũng như lịch sử mua vitamin đẹp da tại cửa hàng của Khách hàng A nên được kết nối một cách liền mạch. Việc này giúp tạo nên một bức tranh tổng thể về hành động của người tiêu dùng, giúp bạn có thêm những cơ hội để giới thiệu các sản phẩm mới tới Khách hàng.
7. Ứng dụng công nghệ thông tin vào nhà thuốc
Công nghệ ngày càng tiên tiến hơn và thay vì quay lưng lại với nó, thì bạn hãy áp dụng triệt để công nghệ trong chiến lược bán lẻ của mình như một giải pháp để hợp lý hoá hoạt động kinh doanh của mình.
Hãy thử suy nghĩ tới việc đầu tư một hệ thống quản lý bán hàng (hàng bán, hàng tồn, lợi nhuận, giá nhập hàng…) hoặc một hệ thống quản lý thông tin Khách hàng. Các hệ thống này sẽ giúp bạn và nhà thuốc của mình giảm thiểu được thời gian nhập dữ liệu, trực quan hoá dữ liệu bằng bảng hoặc sơ đồ, giúp bạn có thể nhìn thấy xu hướng trong phạm vi Khách hàng mà bạn có.
Tuy nhiên, với những hệ thống này, bạn phải được đảm bảo bởi công ty cung cấp về tính năng bảo mật dữ liệu hàng đầu về bệnh nhân và thông tin sức khỏe. Các nước trên thế giới đang ngày càng có xu hướng coi trọng thông tin cá nhân nên hãy tránh các sự cố về thông tin cá nhân, các vi phạm trong quá trình sử dụng, cũng như hãy cố gắng làm minh bạch mục đích sử dụng thông tin cá nhân với Khách hàng.
Ví dụ tại Nhật, khi nhà thuốc yêu cầu Khách hàng cung cấp thông tin thì sẽ đưa thêm một tờ về quyền sử dụng thông tin cá nhân của Khách hàng trên đó, nhà thuốc sẽ ghi rõ ràng, thông tin của Khách hàng sẽ được sử dụng ở đâu, làm gì, cam kết không có buôn bán thông tin cá nhân… (Mình chẳng bao giờ đọc, mặc dù biết nó khá quan trọng 😀 )
Một vài thông tin ngoài lề nhưng thời gian gần đây, một vài doanh nghiệp cung cấp thuốc bán lẻ tại Nhật bản đã bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào việc cải thiện dịch vụ, cắt giảm chi phí và tối ưu hoá khả năng cung cấp hàng trong kho dự trữ. Ví dụ, các doanh nghiệp y tế Nhật đang cố gắng sử dụng AI vào việc số hoá các dữ liệu y tế. Mục tiêu của học là cải thiện khả năng tiếp cận của bệnh nhân với các dịch vụ chăm sóc y tế ảo thông qua các trạm thông tin, giúp bệnh nhân có cơ hội nhận được các thông tin y tế chính xác nhất từ các chuyên gia sức khỏe, trung tâm điều trị…
Xem thêm các bài viết tổng hợp chiến lược kinh doanh tại link.
8. Lời kết
Bài viết trên cung cấp những cách tiếp cận khác nhau trong một chiến lược kinh doanh nhà thuốc. Ngoài việc có những định hình về Khách hàng, mục tiêu lợi nhuận, tầm nhìn, sứ mệnh phục vụ về sức khỏe, vậy bước tiếp theo là phải làm thế nào để hiện thực hóa những kế hoạch đó. Hy vọng bài viết trên đã giúp các chủ nhà thuốc có những ý tưởng về kinh doanh nhà thuốc giúp việc kinh doanh trở nên thuận lợi và có ý nghĩa hơn.