vingroup-swot-analysis

Ma trận SWOT của Vingroup: Vingroup là một tập đoàn đa ngành nghề của Việt Nam, được coi là một trong những tập đoàn lớn, nổi tiếng tại Việt nam, giống như đế chế Chaebol Samsung  tại Hàn Quốc. Với những đóng góp nổi bật trong ngành bất động sản cũng như nhiều thương hiệu nổi tiếng tại các ngành nghề khác nhau, Vingroup đã góp phần rất lớn vào sự phát triển của kinh tế nước nhà. Vậy với một tập đoàn lớn như Vingroup thì có những điểm mạnh, điểm yếu hay thách thức và cơ hội nào đang chờ đợi ở phía trước. Chúng ta hãy cùng phân tích rõ trong bài viết ma trận SWOT của Vingroup như ở dưới đây.

1. Tổng quan về tập đoàn Vingroup 

Vingroup hay còn được gọi là tập đoàn Vingroup được thành lập vào tháng 8 năm 1993 tại Ukraina bởi những người Việt nam trẻ tuổi. Tiền thân của tập đoàn Vingroup là công ty Technocom, hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, cụ thể là sản xuất mì ăn liền. Những năm đầu của thế kỳ 21, Technocom là một công ty phát triển mạnh và thành công rực rỡ với thương hiệu Mivina. Theo thống kê trong giai đoạn này, Technocom luôn nằm trong top 100 doanh nghiệp lớn mạnh nhất của Ukraina. Tuy nhiên vào đầu những năm 2000, thương hiệu mì nổi tiếng này được Nestle của Thụy Sỹ mua lại vào năm 2004 và những người sáng lập lên thương hiệu thì quay trở lại Việt nam để lập nghiệp. Bắt đầu từ đây, Technocom – Vingroup đã trở về Việt Nam với mong ước góp phần xây dựng đất nước. 

Tên đầy đủ Tập đoàn Vingroup – Công ty CP
Thời gian thành lập 8 tháng 8 năm 1993
(28 năm trước)
Logo
Trụ sở chính Số 7, đường Bằng Lăng 1, Vinhomes Riverside, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội
Ngành nghề Bất động sản, bán lẻ, sản xuất ô tô, ngành điện tử , dược phẩm, giáo dục, y tế
Người thành lập Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam, Phạm Thúy Hằng, Phạm Thu Hương, Nguyễn Hương Lan, Trần Minh Sơn, Nguyễn Thủy Hà.
Số điện thoại
Fax
+84 (24) 3974 9999
+84 (24) 3974 8888
Doanh thu 125.688 tỷ đồng (2021)
Lợi nhuận trước thuế 3.346 tỷ đồng(2021)
Website https://vingroup.net/

Năm 2011, hai công ty cổ phần Vinpearl và công ty cổ phần Vincom được sát nhập và hoạt động theo mô hình tập đoàn với tên gọi Tập đoàn Vingroup. Đến năm 2012, cổ phiếu Vingroup (mã VIC) chính thức được lên sàn giao dịch tại sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).

Thời gian đầu, Vingroup tập trung đầu tư vào lĩnh vực du lịch và bất động sản với tầm nhìn dài hạn về một sự phát triển năng động và đầu tư bền vững. Với Vincom, phải kể đến hàng loạt các dự án bất động sản lớn như các trung tâm thương mại, văn phòng hoặc các căn hộ dân cư sang trọng tại nhiều thành phố trọng điểm. Còn Vinpearl thì là ngành du lịch nghỉ dưỡng với các chuỗi khách sạn, biệt thự ven biển, công viên giải trí và sân golf đẳng cấp 5 sao quốc tế. 

vingroup-swot-analysis

Ma trận SWOT của Vingroup (Nguồn: Vingroup)

Hiện nay, tập đoàn Vingroup đang hoạt động theo ba trọng tâm chính gồm: 

– Công nghệ – Công nghiệp
– Thương mại Dịch vụ
– Thiện nguyện Xã hội

với nhiều nhóm thương hiệu nổi tiếng như: 

  • Vincom (hệ thống trung tâm thương mại)
  • Vinhomes (hệ thống căn hộ và biệt thự cao cấp)
  • Vinpearl (hệ thống khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng)
  • Vinmec (hệ thống bệnh viện và dịch vụ y tế)
  • Vinschool (hệ thống trường học và giáo dục)
  • VinCommerce (hệ thống kinh doanh bán lẻ gồm nhiều thương hiệu như Vinmart, VinPro.. )
  • VinBus (hệ thống xe bus và vận tải khách hàng) …

Với tầm nhìn dài hạn hướng tới sự phát triển bền vững, Vingroup luôn mong muốn đem đến cho người tiêu dùng các dòng sản phẩm và dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế, hiện đại nhất để chứng minh cho vai trò tiên phong cũng như dẫn dắt sự thay đổi trong xu hướng người tiêu dùng của mình. 

Hiện nay, Vingroup tại Việt Nam đã được so sánh như một tập đoàn Chaebol của Hàn Quốc, một tập đoàn tư nhân nhưng hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực và có tiềm lực cũng như quy mô lớn, đóng góp to lớn vào sự phát triển của nước nhà. 

・Sứ mệnh 

“Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người”

Vingroup định hướng phát triển thành tập đoàn Công nghệ – Công nghiệp – thương mại dịch vụ hàng đầu khu vực, không ngừng đổi mới, sáng tạo để kiến tạo hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ đẳng cấp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt và nâng tầm vị thế của thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

・Giá trị cốt lõi  

“Tín – Tâm – Trí – Tốc – Tinh – Nhân”

1/ Tín

Vingroup đặt vị trí chữ Tín lên hàng đầu, lấy chữ Tín làm vũ khí cạnh tranh, bảo vệ chữ Tín như bảo vệ danh dự của chính mình 

2/ Tâm

Vingroup đặt chữ TÂM là một trong những nền tảng quan trọng của việc kinh doanh. Chúng ta thượng tôn pháp luật và duy trì đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội ở tiêu chuẩn cao nhất.

3/ Trí

Vingroup đề cao tinh thần dám nghĩ dám làm; khuyến khích tìm tòi, ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào quản lý, sản xuất; luôn chủ động cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm – dịch vụ.

4/ Tốc

Vingroup lấy “Tốc độ, hiệu quả trong từng hành động” làm tôn chỉ và lấy “Quyết định nhanh – Đầu tư nhanh – Triển khai nhanh – Bán hàng nhanh – Thay đổi và thích ứng nhanh…” làm giá trị bản sắc.

5/ Tinh

Vingroup có mục tiêu là: Tập hợp những con người tinh hoa để làm nên những sản phẩm – dịch vụ tinh hoa; mọi thành viên được thụ hưởng cuộc sống tinh hoa và góp phần xây dựng một xã hội tinh hoa.

6/ Nhân

Vingroup xây dựng các mối quan hệ với khách hàng, đối tác, đồng nghiệp, nhà đầu tư và xã hội bằng sự thiện chí, tình thân ái, tinh thần nhân văn.

Xem thêm:
https://vingroup.net/gioi-thieu/tam-nhin-su-menh-va-gia-tri-cot-loi

・Lĩnh vực hoạt động

Vingroup tập trung vào ba lĩnh vực lớn: Công nghệ – Công nghiệp, Thương mại dịch vụ và Thiện nguyện xã hội. 

1/ Công nghệ – Công nghiệp

Công nghệ và công nghiệp là nền móng vững chắc cho bất cứ một quốc gia nào và đây được coi là một trong những lĩnh vực chủ chốt của tập đoàn Vingroup. Trong lĩnh vực công nghệ – công nghiệp của Vingroup, phải kể đến một vài thương hiệu như: 

  • Vinfast: Thương hiệu ôtô Việt Nam, hướng tầm nhìn trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu. 
  • Vinsmart: Thương hiệu kiến tạo các sản phẩm điện tử và công nghệ thông minh, chất lượng, kết nối với trí tuệ nhân tạo AI và các thiết bị trên nền tảng IoT
  • VinAi: Thương hiệu chuyên nghiên cứu về các sản phẩm trí tuệ nhân tạo.
  • VinBigData: Thương hiệu thành lập trên nền tảng thành quả nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu Dữ Liệu lớn (thuộc Tập đoàn Vingroup) trong lĩnh vực Khoa Học Dữ Liệu và Trí Tuệ Nhân Tạo, đặc biệt về xử lý hình ảnh và ngôn ngữ.
  • VinCSS: Thương hiệu hoạt động chính trong lĩnh vực nghiên cứu – phát triển, sản xuất và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng toàn diện – thông minh – tự động và xác thực mạnh không mật khẩu.
  • VinHSM: Thương hiệu sản xuất và kinh doanh phần mềm, chuyên cung cấp những sản phẩm công nghệ chất lượng cao nhằm tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
  • VinBrain: Thương hiệu phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho Y Tế.

2/ Thương mại dịch vụ

Thương mại dịch vụ là nền tảng vững chắc trong hệ sinh thái nhà Vin tạo tiền đề để hỗ trợ công tác nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm của ngành công nghệ-công nghiệp

  • VinHomes: Hệ thống căn hộ, biệt thự và trung tâm thương mại với dịch vụ đẳng cấp.
  • VinPearl: Thương hiệu dẫn đầu, đại diện cho ngành du lịch nghỉ dưỡng với các trải nghiệm kỳ nghỉ 5 sao cho du Khách Việt Nam và quốc tế.
  • Vincom: Thương hiệu bất động sản bán lẻ hàng đầu Việt Nam với 4 dòng sản phẩm là Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza và Vincom+

Bài viết liên quan:
Chiến lược marketing của Vinfast: Phiên bản đầy đủ nhất

Chiến lược marketing của Vinmart – Thuận tiện với giá cả phải chăng

Chiến lược marketing của Vinpearl – Đẳng cấp nghỉ dưỡng năm sao

3/ Thiện nguyện xã hội

Với tầm nhìn về một xã hội tốt đẹp cho tất cả mọi người, bên cạnh công nghệ-công nghiệp và dịch vụ, Vingroup cũng có các sản phẩm phục vụ trực tiếp cho cộng đồng, mang tới cộng đồng những thứ tốt đẹp hơn những gì đang sẵn có. 

  • Vinschool: Hệ thống giáo dục không vì lợi nhuận, liên cấp từ bậc mầm non đến Trung học phổ thông do Tập đoàn Vingroup đầu tư phát triển, hướng đến một ngôi trường Việt Nam mang đẳng cấp quốc tế.
  • Vinmec: Hệ thống y tế không vì lợi nhuận do Tập đoàn Vingroup đầu tư phát triển, với tầm nhìn trở thành một hệ thống y tế hàn lâm vươn tầm quốc tế thông qua những nghiên cứu đột phá, nhằm mang lại chất lượng điều trị xuất sắc và dịch vụ chăm sóc hoàn hảo.
  • VinUni: Trường đại học tinh hoa, tư thục, không vì lợi nhuận do Tập đoàn Vingroup sáng lập với khát vọng đào tạo nhân tài cho tương lai và đóng góp cho đất nước một đại học xuất sắc mang đẳng cấp thế giới.
  • VinFuture: Quỹ độc lập không vì lợi nhuận tại Việt Nam. Sứ mệnh của Quỹ VinFuture là xây dựng một tương lai tươi đẹp, nơi nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ có mục tiêu phụng sự con người, thúc đẩy các thay đổi tích cực cho cuộc sống và tạo ra một thế giới công bằng và bền vững hơn cho các thế hệ sau.
  • VinIF: Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup. Mục tiêu của quỹ là hỗ trợ các nhà khoa học và các tài năng trẻ thuộc các Trường đại học và các Viện nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, y dược, kinh tế và giáo dục nhằm tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam.
  • VinBioCare: Tầm nhìn của VinBioCare là tiến tới xây dựng và tự chủ hệ sinh thái Nghiên cứu – Sản xuất – Đào tạo về Công nghệ Sinh học, dược phẩm công nghệ cao phục vụ cộng đồng.
  • VinBus: Thành lập năm 2019, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng theo mô hình phi lợi nhuận.

2. Phân tích ma trận SWOT là gì 

Kỹ thuật phân tích SWOT là loại hình phân tích bốn yếu tố: Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. Phân tích SWOT thường được sử dụng trong Doanh nghiệp để tìm ra và vận dụng tối đa những điểm mạnh, những lợi thế mà Doanh nghiệp có được. Trong khi giảm thiểu những mối nguy hiểm, những bất lợi trước mắt mà Doanh nghiệp thường bỏ qua.

 

3. Ma trận SWOT của Vingroup 

Ma trận SWOT của tập đoàn Vingroup bao gồm các điểm mạnh đến từ thương hiệu, nguồn vốn, cùng thách thức và cơ hội đến từ sự cạnh tranh cũng như nhiều thay đổi từ xã hội. 

・Điểm mạnh của tập đoàn Vingroup 

1/ Thương hiệu Vingroup 

Vingroup là một thương hiệu quốc dân của Việt Nam. Với việc kinh doanh đa ngành nghề, phủ sóng rộng khắp mọi đời sống của người tiêu dùng Việt từ nhà ở tới giáo dục, bệnh viện, du lịch… Chắc hẳn không một ai tại Việt Nam không biết tới tên tuổi thương hiệu Vingroup. 

2/ Năng lực quản lý và lãnh đạo 

Tên tuổi của thương hiệu Vingroup gắn liền với tên tuổi của nhà sáng lập, tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ông Phạm Nhật Vượng đã có thời gian học tập và tốt nghiệp tại Nga, cũng như tham gia nhiều dự án kinh doanh lớn nhỏ. Ông cũng chính là người đã thành lập ra thương hiệu mì ăn liền Mivina. Thương hiệu này sau được bán cho tập đoàn Nestle với giá 100 triệu đô la Mỹ. 

Dưới sự dẫn dắt của ông Vượng, Vingroup đã có một tầm nhìn chiến lược đứng đắn cho tương lai cũng như nhiều hướng phát triển và đầu tư mạnh bạo. Bên cạnh ông Vượng cũng là một đội ngũ ban lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tầm nhìn chiến lược tốt và có trình độ học vấn cao. Nhiều người trong số họ là những người đã tốt nghiệp tại các trường đại học lớn trên thế giới, và có nhiều thành tựu trong nghiên cứu và chế tạo. 

vingroup-swot-analysis

Ma trận SWOT của Vingroup (Ảnh minh họa)

3/ Nguồn vốn đầu tư ổn định 

Vingroup là tập đoàn đi đầu trong nhiều lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Với các dự án bất động sản và nghỉ dưỡng cao cấp nổi tiếng ở nhiều thành phố lớn trên cả nước, Vingroup đã tự mình tạo ra các “con gà đẻ trứng vàng” với các mức lợi suất sinh lời cao nhất. Mặc cho dịch bệnh COVID hoành hành, tổng giá trị tài sản của Vingroup đạt 441.367 tỷ đồng vào năm 2022, tăng 3.0% so với cùng kỳ đầu năm. Đây chính là minh chứng cho sự phát triển hùng mạnh của tập đoàn Vingroup. 

Với tổng tài sản lớn cùng với thương hiệu Vingroup được nhiều người biết đến, việc huy động vốn của Vingroup cũng dễ dàng hơn so với các Doanh nghiệp khác và được nhiều ưu ái hơn. Ngoài ra, Vingroup cũng có thể thu hút vốn đầu tư không chỉ từ ngân hàng mà còn từ các cổ đông hoặc trái phiếu trên sàn giao dịch. Điều này tạo ra sự đa dạng trong của các nguồn tài trợ tài chính, giúp làm giảm rủi ro tài chính cho Vingroup. 

4/ Sản phẩm chất lượng cao 

Vingroup là tập đoàn đa ngành, đầu tư và phát triển tại nhiều ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên có một điểm chung cho tất cả ngành nghề mà Vingroup tham gia đó chính là sản phẩm chất lượng cao. Điều này theo đúng sứ mệnh của tập đoàn là mang tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. 

Các sản phẩm của Vingroup là thành quả không chỉ từ nhân tài xứ Việt mà còn có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn uy tín từ nước ngoài, giúp Vingroup nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu, đặc biệt là ở phân khúc sản phẩm và dịch vụ cao cấp. Ngoài ra, với ảnh hưởng cùng nguồn tài chính lớn mạnh từ tập đoàn, Vingroup cũng có lợi thế trong việc thu hồi đất và xây dựng các dự án bất động sản trong thời gian ngắn, tạo thế chủ động và luân chuyển vốn trong hoạt động đầu tư và kinh doanh. 

5/ Nhiều nhân tài gia nhập tập đoàn

Với tầm nhìn cho người Việt và nước Việt, rất nhiều nhân tài đã theo chân ông Vượng về Việt Nam để tham gia vào tập đoàn Vingroup. Một số nhân tài có thể kể đến như ông James B.Deluca chuyên gia 37 năm kinh nghiệm làm tại General Motors, hay Giáo sư Vũ Hà Văn, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ…. Với việc tuyển dụng và chiêu mộ nhiều nhân tài về làm việc tại nước nhà, chúng ta có thể thấy tầm nhìn và tính nhân văn trong hoạt động tuyển dụng của Vingroup nhằm xây dựng và kiến tạo ra các sản phẩm mới, chất lượng cao cũng như tạo nền tảng khoa học công nghệ cho nước nhà. 

・Điểm yếu của tập đoàn Vingroup 

1/ Đào tạo nguồn nhân lực 

Tuy có thể kêu gọi nhiều nhân tài về cùng chung sức làm việc cũng như hệ thống ban quản lý lãnh đạo có tầm nhìn, nhưng vẫn có nhiều đánh giá cho rằng, tập đoàn Vingroup có những hạn chế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt đối với các cấp quản lý bậc trung. 

2/ Khả năng tiếp cận dự án mới 

Bên cạnh thành công của các dự án mới như Vinmec, Vinschool.. thì Vingroup cũng phải nếm trải thất bại ở rất nhiều ngành nghề khác nhau. Đặc biệt ở một vài ngành nghề không thuộc lĩnh vực hoạt động cốt lõi của ngành như làm đẹp, thương mại điện tử, hàng không hay sản xuất điện thoại di động… Một vài ví dụ có thể kể đến như Adayroi thông báo dừng hoạt động, sát nhập vào VinID, chuối bán lẻ VinPro tuyên bố giải thể, hàng không Vinpearl Air đóng cửa… Các thương vụ đầu tư thua lỗ này mang lại một khoản đầu tư mất mát lớn cho tập đoàn. 

3/ Đòn bẩy tài chính 

Các khoản đầu tư vào các dự án bất động sản và đa ngành nghề của Vingroup dẫn đến nhu cầu vốn cực mạnh. Điều này dẫn tới một lượng lớn các khoản vay và trái phiếu. Điều này dẫn tới các rủi ro không thể không tránh khỏi, đặc biệt là các rủi ro về đòn bẩy tài chính. 

Ngoài ra, bất động sản luôn là lĩnh vực đầu tư rất nhạy cảm với các biến động của thị trường. Các dự án đầu tư của Vingroup đều là các dự án lớn, có vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn chậm. Vậy nên việc sử dụng đòn bẩy tài chính mạnh là điều không thể tránh khỏi. Điều này dẫn tới tỷ lệ nợ trên tài sản cao, gây ảnh hưởng đến lãi suất trong hoạt động kinh doanh. 

・Cơ hội của tập đoàn Vingroup 

1/ Thu nhập của người dân tăng cao 

Thông qua việc phân tích tổng quan về tập đoàn Vingroup, chúng ta có thể thấy phần lớn thu nhập của Vingroup là thông qua các loại hình sản phẩm và dịch vụ như kinh doanh bất động sản, trung tâm thương mại và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng. Vậy nên, việc thu nhập của người dân được tăng cao và cải thiện là một nhân tố rất quan trọng đối với sự phát triển của tập đoàn Vingroup. 

Theo thống kê của ngân hàng Thế giới World Bank, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng không ngừng, lên tới gấp 3,6 lần, đạt gần 3.700USD kể từ năm 2002 đến năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn 1,9USD/ngày cũng giảm từ hơn 32% xuống còn dưới 2%. Năm 2021 và 2022 tuy bị tác động mạnh của dịch bệnh COVID cùng biến thể delta nhưng tăng trưởng của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi lên 5.5% vào năm 2022. 

Với các số liệu khả quan về một nền kinh tế phát triển cùng thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện và tăng cao, các sản phẩm và dịch vụ của Vingroup chắc chắn sẽ không ngừng được chào đón trong thời gian sắp tới.  

vingroup-swot-analysis

Ma trận SWOT của Vingroup (Ảnh minh họa)

2/ Sự mở rộng của thị trường dịch vụ 

Thu nhập của người dân tăng cao, đồng nghĩa với việc mức sống của người dân sẽ được cải thiện. Điều này có nghĩa là yêu cầu về chất lượng dịch vụ sẽ cao hơn và sản phẩm có chất lượng cao sẽ được quan tâm hơn và lựa chọn thay vì giá rẻ như hồi trước. 

Đặc biệt trong những năm gần đây, xu hướng đô thị hóa ngày càng tăng cùng với nhu cầu về nhà ở và cấu trúc đô thị khiến cho ngành bất động sản lại nóng trở lại. Hậu dịch bệnh COVID với kinh tế tiềm năng phát triển thì thị trường bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục phục hồi. Đây là các nhân tố khiến sản phẩm và dịch vụ của Vingroup sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. 

Ví dụ, thay vì mua một căn chung cư giá vừa phải, chất lượng tạm ổn để sinh sống như hồi trước thì người tiêu dùng có thể cân nhắc các sản phẩm của Vinhomes, với dịch vụ và chất lượng cao cấp hơn, đi kèm với các dịch vụ trong hệ sinh thái của nhà Vin như Vinschool, hay Vinmec… 

3/ Nhiều vị trí đắc địa 

Vingroup là tập đoàn lớn đa ngành, tuy nhiên, một trong những ngành đem lại lợi nhuận lớn cho Vingroup trong thời gian đầu là ngành bất động sản. Với các chiến lược đầu tư và kinh nghiệm thực, Vingroup đã trở thành “ông hoàng” trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam với hàng loạt các dự án và tổ hợp trung tâm thương mại lớn, văn phòng cho thuê hoặc nhà ở cao cấp. 

Một trong những yếu tố thành công của các dự án bất động sản của Vingroup đó chính là chọn lựa được các vị trí đẹp, đắc địa. Ví dụ như tổ hợp trung tâm thương mại Vincom của tập đoàn Vingroup đều nằm trên các vị trí đẹp của thủ đô Hà Nội, như Vincom Bà Triệu, Vincom Nguyễn Chí Thanh, Vincom Trần Duy Hưng… Đây là những ngã ba giao cắt, có mật độ dân cư và phương tiện qua lại cao nên dễ được người dân địa phương để ý, ghé thăm. 

Ngoài ra, Vingroup cũng có nhiều dự án bất động sản về nhà ở, biệt thự và dịch vụ, nằm ngay trong Hà Nội cùng các thành phố lớn như Vinhomes Royal City, Vinhomes Nguyễn Chí Thanh, Vinhomes Central Park New Port and The Landmark 81… Đây đều là những nơi được đánh giá là có địa thế đẹp, tiềm năng phát triển cao trong tương lai. 

4/ Kinh nghiệm hoạt động tại nước ngoài

Với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của Vinfast tại không chỉ Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia là một minh chứng cho tiềm năng phát triển ra nước ngoài của tập đoàn Vingroup. Với kinh nghiệm hoạt động tại nước ngoài (ở Ukraina, năm 1993) và sau đó về nước lập nghiệp (năm 2000), đội ngũ lãnh đạo của Vingroup, điều hành bởi ông Phạm Nhật Vượng đã có những kinh nghiệm thực chiến tại thị trường ngoài Việt Nam. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển vững chắc cho các sản phẩm của thương hiệu Vingroup trong thời gian tới. 

5/ Tiềm năng đầu tư từ nước ngoài

Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn mở cửa với minh chứng thông qua việc gia nhập WTO, hiệp định thương mại tự do FTA, hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.. Việt Nam đã và đang được đánh giá là điểm đầu tư hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp và người nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư. Việc có một nền tảng vững chắc cùng thương hiệu tốt sẽ là cơ sở giúp Vingroup có thể huy động được thêm vốn trong và ngoài nước một cách thuận lợi hơn. Điều này giúp Vingroup có thể có thêm tiềm lực tài chính để mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh của mình. 

6/ Cơ hội từ cơ chế hành chính 

Kể từ sau khi thống nhất, Việt Nam từ trước tới nay luôn là một đất nước có nền chính trị ổn định với mức tăng trưởng kinh tế vững chắc qua từng năm. Để nền kinh tế đất nước có thể phát triển hơn nữa, Chính phủ luôn có những hỗ trợ đối với các Doanh nghiệp, đặc biệt là với Doanh nghiệp có quy mô lớn, đa ngành nghề như Vingroup. Các chính sách ưu đãi về thuế và lãi suất cũng như mở rộng thị trường bất động sản là những cơ hội dành cho tập đoàn Vingroup trong hiện tại cũng như tương lai gần. 

Không những thế đối với ngành dịch vụ du lịch, nhiều địa phương trên cả nước mong muốn có cơ hội được mở rộng ngành du lịch tại địa phương như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… Chính vì vậy tại các địa phương này, các Doanh nghiệp chuyên về phát triển du lịch nghỉ dưỡng như Vinpearl cực kỳ được ưu ái với các cơ chế hành chính mở, nhằm giúp nền kinh tế địa phương phát triển. 

・Thách thức của tập đoàn Vingroup 

1/ Thị trường kinh doanh phát triển chậm 

Tuy Vingroup là một tập đoàn đa ngành với thế mạnh là bất động sản. Tuy nhiên, cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Trong những năm gần đây, mức độ cạnh tranh trên thị trường cho thuê mặt bằng trung tâm thương mại, mặt bằng bán lẻ, cho thuê văn phòng và căn hộ đang ngày càng trở nên gay gắt. Đặc biệt, Vingroup phải đối phó với “thù trong” là các Doanh nghiệp trong nước như tập đoàn Bitexco, Trần Anh Group, Novaland, Đất Xanh Group, tập đoàn Hưng Thịnh, công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai…cùng “giặc ngoài” là các tập đoàn đến từ ngoại quốc như ​​Ciputra Group, Land Capital, Keppel Land.. 

2/ Thủ tục hành chính phức tạp 

Một thử thách tiếp theo đối với tập đoàn Vingroup là thủ tục hành chính phức tạp. Các thủ tục hành chính ở Việt Nam luôn được xem là rất phức tạp và rối rắm, với nhiều công đoạn khác nhau. Và đối với bất động sản, một ngành làm việc với các dòng tiền khủng thì các thủ tục hành chính này lại càng trở nên phức tạp hơn hết. 

3/ Nhập khẩu công nghệ cao 

Công nghệ là yếu tố giúp khẳng định vị thế của tập đoàn Vingroup với rất nhiều dòng sản phẩm có sử dụng công nghệ hiện đại cao bậc nhất, nhì trên thế giới. Tuy nhiên hiện nay, đa phần các công nghệ hiện đại ở Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sự chủ động của Vingroup trong việc phát triển sản phẩm mới cũng như làm chủ thị trường. 

4/ Ảnh hưởng từ các nhà cung ứng 

Vingroup là một tập đoàn đầu tư bất động sản lớn nhất tại Việt Nam vậy nên để có thể đảm bảo nguồn cung ứng sản phẩm tới Khách hàng thì công ty cũng rất cần nguồn cung ứng nguyên vật liệu để tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên trong năm gần đây, với ảnh hưởng của dịch bệnh COVID cũng như chiến tranh giữa Nga và Ukraine khiến cho giá cả nguyên vật liệu leo thang. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững của tập đoàn. 

Chưa kể tới ảnh hưởng của dịch bệnh COVID trong hai năm gần đây khiến cho nền kinh tế nước nhà cũng trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết, sản giao dịch chứng khoán liên tục giảm khiến cho nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả Vingroup khó có thể tiếp cận được nguồn vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng trong nước. 

Xem thêm các bài viết về phân tích SWOT tại đây.

4. Tổng kết 

Ma trận SWOT của Vingroup phân tích một cái nhìn sâu rộng về thương hiệu Vingroup, một thương hiệu tư nhân lớn, có tổng tài sản và lợi nhuận cao  ở Việt Nam với đa dạng ngành nghề, tập trung vào bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng. Mặc dù có những điểm yếu về nguồn vốn tài chính, cùng thách thức đến từ các nhà cung ứng cũng như phải nhập khẩu công nghệ cao từ nước ngoài, thì Vingroup cũng có những điểm mạnh đến từ nội bộ thương hiệu cùng những cơ hội đến từ thị trường bên ngoài. Hy vọng bài viết tổng hợp về phân tích ma trận SWOT của Vingroup có ích với bạn đọc. 

※ Bài viết có sử dụng thông tin từ nhiều nguồn tham khảo của các tác giả khác nhau

Nguồn tham khảo:

Nguyễn, H. D. ệ. (2016, November). Hoạch định chiến lược của tập đoàn Vingroup – CTCP. Trường Đại học Kinh Tế – Luật.

https://www.brandsvietnam.com/16465-Vingroup-noi-hoi-tu-chat-xam-toan-cau
https://www.viet-jo.com/news/economy/191218193619.html
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%ADp_%C4%91o%C3%A0n_Vingroup

What's your reaction?

Excited
0
Happy
0
In Love
1
Not Sure
0
Silly
0
maneko
Tên thường gọi: maneko-chan. Chuyên về BtoB marketing và digital marketing, thích đọc các bài viết về chiến lược marketing, chiến lược kinh doanh của các thương hiệu tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Thành thạo Việt Anh Nhật. Yêu thiên nhiên, thích đọc sách, chơi với mèo và ăn vặt ^^

You may also like

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.