vietcombank-business-strategy

Chiến lược kinh doanh của Vietcombank: Trong hơn 50 năm trưởng thành và phát triển, Vietcombank đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế đất nước, giữ vững vai trò là một ngân hàng ngoại thương lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước hiệu quả cũng như có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng tài chính khu vực và toàn cầu. Bài viết dưới đây cung cấp thông tin một cách tổng quát về chiến lược kinh doanh của Vietcombank nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn tại sao Vietcombank có thể nằm trong top các ngân hàng đứng đầu trong thị trường ngân hàng của Việt Nam.  

1. Tổng quan về Vietcombank

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, tiền thân là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, được thành lập ngày 04/01/1963 từ Cục Ngoại hối (thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Là ngân hàng thương mại quốc tế đầu tiên được Chính phủ chọn thí điểm cổ phần hóa, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ ngày 02/06/2008, sau khi thực hiện thành công kế hoạch cổ phần hóa thông qua IPO. Vietcombank (mã chứng khoán: VCB) chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào ngày 30/06/2009.

Trong hơn 50 năm trưởng thành và phát triển, Vietcombank đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế đất nước, giữ vững vai trò là một ngân hàng ngoại thương lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước hiệu quả cũng như có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng tài chính khu vực và toàn cầu.

Tiền thân là ngân hàng chuyên doanh ngoại thương, Vietcombank ngày nay đã trở thành đơn vị cung cấp cho khách hàng đa dạng các dịch vụ tài chính hàng đầu trong thương mại quốc tế; các dịch vụ truyền thống như kinh doanh vốn, huy động vốn, tín dụng, tài trợ dự án … vv và phân khúc ngân hàng hiện đại như kinh doanh ngoại hối và các sản phẩm phái sinh, dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử, v.v.

vietcombank-business-strategy

Chiến lược kinh doanh của Vietcombank (Ảnh minh họa)

・Tầm nhìn chiến lược và sứ mệnh

Dựa trên môi trường kinh doanh với hơn 50 năm kinh nghiệm, Vietcombank đã tạo dựng được vị thế dẫn đầu trên thị trường. Do đó, Vietcombank đã xác định tầm nhìn và chiến lược kinh doanh của mình như sau:

1/ Tầm nhìn chiến lược

Ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam. 

2/ Mục tiêu chiến lược của Vietcombank

  • Số 1 về quy mô lợi nhuận và thu nhập phi tín dụng
  • Đứng đầu về trải nghiệm khách hàng
  • Số 1 về bán lẻ và ngân hàng đầu tư
  • Đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực
  • Đứng đầu về ngân hàng số
  • Quản trị rủi ro tốt nhất

3/ Năm giá trị cơ bản thể hiện bản sắc văn hóa của Vietcombank

  • Tin cậy – Giá trị niềm tin, chữ tín của Khách hàng đối với Vietcombank
  • Chuẩn mực – Yếu tố hỗ trợ xây dựng chữ tín và là chìa khóa thành công của Vietcombank
  • Đổi mới – nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh của Vietcombank
  • Bền vững – yếu tố tạo ra Vietcombank một sức mạnh tổng hợp
  • Nhân văn – yếu tố tạo sự khác biệt của Vietcombank

2. Hoạt động kinh doanh chiến lược của Vietcombank 

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính của Vietcombank là kinh doanh ngân hàng, bao gồm dịch vụ tài chính và dịch vụ phi tài chính. 

・Dịch vụ tài chính

Các dịch vụ tài chính có thể tìm thấy ở ngân hàng Vietcombank là: 

1/ Huy động vốn

  • Nhận tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm cùng nhiều loại tiền gửi khác
  • Phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu để huy động vốn trong nước và nước ngoài
  • Vay vốn của Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của pháp luật
  • Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật

2/ Hoạt động tín dụng 

  • Cho vay, chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá trị khác
  • Phát hành thẻ tín dụng, bảo lãnh ngân hàng…

3/ Dịch vụ thanh toán và ngân quỹ 

  • Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước
  • Mở tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng khác
  • Mở tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán ở nước ngoài theo quy định của  pháp luật về ngoại hối
  • Cung ứng khác phương tiện thanh toán, thực hiện các dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế
    (Nguồn: https://www.stockbiz.vn/)
vietcombank-business-strategy

Chiến lược kinh doanh của Vietcombank (Ảnh minh họa)

・Các dịch vụ phi tài chính 

Các dịch vụ phi tài chính mà Vietcombank cung cấp bao gồm: 

1/ Kinh doanh, đầu tư bất động sản 

  • Mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc, phục vụ trực tiếp cho các hoạt động trong nội bộ ngân hàng
  • Cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc sở hữu của ngân hàng
  • Nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay

3. Chiến lược kinh doanh của Vietcombank 

・Chiến lược khách hàng mục tiêu 

Những năm gần đây, nền kinh tế đang được phục hồi và phát triển, từ đó đời sống của người dân được nâng cao và cải thiện đáng kể dẫn đến nhiều nhu cầu về tài chính được ra đời. Nhanh nhạy nắm bắt được cơ hội này, Vietcombank đã lập kế hoạch chiến lược kinh doanh, nhắm tới đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với các mục tiêu và hành động rõ ràng. 

Đối với tín dụng cá nhân, khách hàng trẻ đang dần trở thành đối tượng khai thác tiềm năng chính của Vietcombank vì đây là đối tượng Khách hàng có sự năng động, chủ động tìm hiểu thông tin, có kiến thức hiểu biết cũng như thu nhập ổn định. 

Đối với tín dụng doanh nghiệp, Vietcombank nhắm đến các dự án lớn nhỏ như nhà hàng ăn uống, khách sạn mini hay đến những dự án quy mô rất lớn như nhà máy sản xuất thép, công trình thủy điện hay các khu đô thị mới…

Tìm kiếm khách hàng mục tiêu là một nhiệm vụ thiết yếu đối với bất cứ ngân hàng nào. Vì vậy, Vietcombank luôn chú trọng vào kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trọng tâm cũng như nhiều kỹ năng mềm hỗ trợ trong quá trình tư vấn khách hàng, tạo tiền đề duy trì và mở rộng tệp khách hàng mục tiêu. 

・Chiến lược trọng tâm của Vietcombank

Trong tình hình nền kinh tế trong nước có dấu hiệu hồi phục sau đại dịch, các hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường khiến cho nhu cầu tín dụng tăng lên cao từ cuối quý I/2021. Tuy nhiên, Vietcombank đang dần chuyển dịch cơ cấu, tập trung vào khách hàng cá nhân. 

Trước đây, Vietcombank được biết tới là ngân hàng bán buôn, cho vay tổ chức, tuy nhiên, thời gian gần đây, Vietcombank đang trở thành ngân hàng số một về thị trường khách hàng cá nhân. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho chiến lược tập trung, đột phá bốn chiến lược và ba trọng tâm của Vietcombank.

1/ Đột phá bốn chiến lược

Một là, đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh.

Hai là, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách (cơ chế quản trị nội bộ và cơ chế, chính sách với khách hàng)

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng năng lực thích ứng với ngân hàng số

Bốn là, hoàn thiện và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, triển khai ngân hàng số.

2/ Ba chiến lược trọng tâm 

Thứ nhất, giảm dần tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả, tăng tỷ trọng dư nợ bán lẻ cao hơn bán buôn, tăng tỷ lệ tài sản bảo đảm trong tổng dư nợ.

Thứ hai, gia tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ và đầu tư kinh doanh vốn.

Thứ ba, cơ cấu lại danh mục nguồn vốn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Ba chiến lược trọng tâm giúp Vietcombank chuyển dịch được cơ cấu kinh doanh theo chiều hướng tích cực, bền vững. 

(Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/)

vietcombank-business-strategy

Chiến lược kinh doanh của Vietcombank (Ảnh minh họa)

・Chiến lược dẫn đầu chi phí 

Với trọng tâm tập trung vào khách hàng bán lẻ, Vietcombank đang áp dụng chiến lược kinh doanh dẫn đầu chi phí để có thể thu hút tối đa khách hàng tiềm năng. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2022, Vietcombank đã ra chính sách miễn phí duy trì dịch vụ VCB Digibank và phí quản lý một tài khoản mặc định đăng ký VCB Digibank. 

Nhìn vào bảng phí, chúng ta có thể thấy rất nhiều loại phí được áp dụng nếu khách hàng sử dụng VCB Digibank trong quá khứ như phí quản lý tài khoản, phí chuyển tiền (trong hệ thống, ngoài hệ thống, chuyển tiền nhanh 24/7)… Tuy nhiên, Vietcombank đã thống nhất miễn phí tất cả các loại phí được áp dụng trước kia đối với Khách hàng sử dụng VCB Digibank. 

Đây là hành động không chí giúp khách hàng cá nhân an tâm thoải mái khi giao dịch mà còn giúp Vietcombank có thêm được vị thế trong cuộc đua giành lấy khách hàng bán lẻ cũng như thu hút nguồn tiền gửi không kỳ hạn với chi phí thấp.

・Chiến lược khác biệt hóa 

Tích hợp dịch vụ và áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh ngân hàng, hướng tới khách hàng bán lẻ sẽ là xu hướng và là chiến lược khác biệt hóa mà Vietcombank sẽ sử dụng mạnh trong thời gian tới. Với chiến lược khác biệt hóa sử dụng công nghệ trong bán lẻ, Vietcombank đang nỗ lực trở thành ngân hàng tiên phong trong thế kỷ số, đặt mục tiêu trở thành ngân hàng số một về bán lẻ trong tương lai. 

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng phải không ngừng cải thiện chất lượng, dịch vụ, mang trải nghiệm đồng nhất tới khách hàng trên tất cả các kênh thông qua omni channel strategy (bán hàng đa kênh trên cùng một nền tảng và hướng đến thống nhất, nâng cao trải nghiệm khách hàng).

・Chiến lược liên minh – hợp tác

Không chỉ phát triển, tập trung mạnh vào mảng khách hàng bán lẻ, Vietcombank cũng đặt niềm tin rất lớn vào mảng khách hàng tổ chức khi thực hiện chiến lược liên minh – hợp tác, ký kết thỏa thuận với rất nhiều tổ chức như ACV, VNPT, PetroVietnam và các tổ chức bất động sản tầm cỡ như Vihajico, Vingroup… 

Với việc thực hiện các chiến lược liên minh, Vietcombank và các đối tác sẽ ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau, nhằm đẩy mạnh hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, tạo hệ sinh thái bền vững cho doanh nghiệp. 

Một trong những ví dụ điển hình về chiến lược hợp tác mà Vietcombank thực hiện là dự án với Vingroup. Số lượng các dự án của Vingroup có sự tham gia của Vietcombank đang ngày càng tăng lên, đa dạng đủ các loại như biệt thư, căn hộ chung cư, các khu biệt thự nghỉ dưỡng … Đổi lại, Vietcombank sẽ chú trọng giới thiệu đến khách hàng của mình những sản phẩm bất động sản của Vingroup nhằm hỗ trợ chủ đầu tư bán hàng.

vietcombank-business-strategy

Chiến lược kinh doanh của Vietcombank (Ảnh minh họa)

4. Phân tích môi trường vĩ mô của Vietcombank

Chúng ta sẽ phân tích môi trường vĩ mô của Vietcombank thông qua bốn yếu tố của phân tích PEST.

・Yếu tố chính trị 

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế chính trị khá ổn định so với nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là một điểm ưu thế cho các doanh nghiệp hoạt động trong tất cả các lĩnh vực của xã hội, để các doanh nghiệp an tâm làm ăn và phát triển trong đó có cả ngành ngân hàng. Việc này còn thúc đẩy các công ty nước ngoài tìm đến Việt Nam như một điểm đến lý tưởng để đầu tư.

Ngoài ra, khi kinh tế chính trị ổn định sẽ giảm thiểu các cuộc bãi công, biểu tình. Do đó hoạt động quá trình sản xuất sẽ tránh được các tổn thất như thiếu nhân công, xáo trộn trong doanh nghiệp. Yếu tố này  sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. Và khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì chắc chắn ngành ngân hàng cũng được chú ý.

Đặc biệt, khi các tập đoàn tài chính quốc tế và đa quốc gia đầu tư vào ngành ngân hàng nước ta, điều này sẽ gián tiếp làm cho mức độ cạnh tranh trong ngành càng trở nên gay gắt hơn, khiến cho ngành kinh doanh ngân hàng được phát triển.

・Yếu tố pháp luật 

Mọi ngành nghề đều chịu tác động mạnh mẽ của yếu tố pháp luật, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng – một ngành có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế. Hoạt động của ngành ngân hàng được điều chỉnh chặt chẽ bởi pháp luật, chính sách và cũng chịu sự quản lý của ngân hàng nhà nước Việt Nam. Việt Nam đang trên đà củng cố và hoàn thiện các bộ luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các ngân hàng được hoạt động trong môi trường minh bạch với những hướng dẫn cụ thể, khách quan.

・Yếu tố kinh tế 

Có thể nói, tình hình kinh tế vĩ mô trong lĩnh vực ngân hàng trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2020 khá ổn định. Tuy nhiên trong một vài năm trở lại đây, tình hình khủng hoảng kinh tế cùng dịch bệnh và các bất ổn chính trị thế giới đã ảnh hưởng không ít tới ngành ngân hàng, làm cho lạm phát gia tăng, thâm hụt thương mại và đặc biệt là làm sụt giảm đáng kể chất lượng đầu tư.

Trong vòng chục năm trở lại đây, điểm đáng lưu ý là việc xuất hiện và hình thành các trung tâm giao dịch chứng khoán mà nơi đầu tiên đó là thành phố Hồ Chí Minh (2000). Song, mối quan hệ giữa ngân hàng và thị trường chứng khoán chưa được bền chặt, chưa hỗ trợ được lẫn nhau. Điều này có thể thấy rõ trong sự tách biệt giữa các hoạt động của tổ chức và sự kém tương tác của thị trường tiền tệ liên ngân hàng.

vietcombank-business-strategy

Chiến lược kinh doanh Vietcombank (Ảnh minh họa)

・Yếu tố văn hóa- xã hội

Ngày nay, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao và ngày một văn minh hơn. Nhu cầu của khách hàng liên quan tới các hoạt động giao dịch ngân hàng cũng như các dịch vụ do ngành ngân hàng cung cấp cũng vì thế mà ngày càng cao.

  Thêm vào đó, quá trình toàn cầu hóa cũng ảnh hưởng và thúc đẩy cho các ngành nghề kinh doanh nói chung và ngành ngân hàng nói riêng phát triển. Toàn cầu hóa đã và hóa đã đang mở ra nhiều cơ hội hơn cho các khách hàng sử dụng thêm những dịch vụ ngân hàng khác nhau để thuận hơn trong việc làm ăn và kinh doanh. Ví dụ: Công ty A có một đối tác nước ngoài và công ty A cần phải chuyển tiền cho đối tác để cùng kinh doanh. Vậy lúc này, chúng ta mới thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa của các dịch vụ mà ngành ngân hàng mang lại. Chỉ cần một thao tác nhỏ để chuyển tiền sang tài khoản của đối tác. Trong tích tắc, đối tác của bạn sẽ nhận được tiền mà bạn chỉ phải tốn kém một khoản rất nhỏ cho giao dịch.

・Yếu tố công nghệ

Việt Nam ngày càng phát triển dần bắt kịp với các nước phát triển trên thế giới. Điều này giúp cho hệ thống kỹ thuật và công nghệ của ngành ngân hàng càng được chú trọng để đầu tư và nâng cấp. 

Tuy nhiên xét về mặt công nghệ thì các ngân hàng nước ngoài vẫn chiếm nhiều ưu thế hơn các ngân hàng Việt Nam về năm công nghệ. Do đó, cải thiện và nâng cao trình độ công nghệ là con đường tắt giúp ngân hàng có thể có được vị thế đứng trong toàn ngành. Đặc biệt trong xu thế hội nhập, ngày càng có nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường Việt Nam. 

Khoa học công nghệ ngày càng phát triển và hiện đại, đặt ra những cơ hội cũng như thách thức cho các Ngân hàng về chiến lược phát triển và ứng dụng các công nghệ một cách nhanh chóng, hiệu quả. Sự chuyển giao công nghệ và tự động hoá giữa các Ngân hàng tăng dẫn đến sự liên doanh, liên kết giữa các Ngân hàng để bổ sung cho nhau những công nghệ mới.

Sự thay đổi công nghệ đã, đang và sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ tới hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Khi công nghệ càng cao thì càng cho phép Ngân hàng đổi mới và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, các cách thức phân phối, và đặc biệt là phát triển các sản phẩm dịch vụ mới. 

Điển hình khi Internet và Thương mại điện tử phát triển, nhu cầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến ngày càng tăng, vì vậy việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin như chữ ký số, thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống thanh toán bù trừ điện tử …để đưa ra các dịch vụ mới như: Hệ thống ATM, Home Banking, Mobile Banking, Internet Banking…sẽ giúp cho các ngân hàng giảm được chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng thêm sự trung thành ở khách hàng. 

5. Lời kết

Chiến lược kinh doanh của Vietcombank với các phân tích không chỉ về các yếu tố bên ngoài thông qua phân tích tổng hợp PEST, mà còn tập trung cụ thể vào các chiến lược kinh doanh mà Vietcombank thực hiện như chiến lược khách hàng mục tiêu, liên minh hợp tác, dẫn đầu về giá…. Hy vọng bài viết có ích với bạn đọc! 

Nguồn tham khảo:

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/vietcombank-bung-no-voi-4-dot-pha-chien-luoc-va-3-trong-tam-kinh-doanh-post269515.html

https://nld.com.vn/kinh-te/ong-lon-ngan-hang-tham-gia-cuoc-dua-mien-phi-giao-dich-20211228084143883.htm

https://www.brandsvietnam.com/18351-Dau-la-khac-biet-lon-nhat-giua-Vietcombank-va-cac-ngan-hang-khac

https://thoibaonganhang.vn/vietcombank-da-dang-hoa-san-pham-nang-cao-chat-luong-dich-vu-89567.html

https://baochinhphu.vn/vietcombank-va-vnpt-ky-ket-thoa-thuan-hop-tac-toan-dien-102220530114406894.htm

https://baochinhphu.vn/vietcombank-va-acv-ky-ket-thoa-thuan-hop-tac-toan-dien-102220126200338433.htm

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/vietcombank-va-nhung-doi-tac-chien-luoc-trong-linh-vuc-bat-dong-san-post214499.html

https://congthuong.vn/petrovietnam-va-vietcombank-ky-ket-thoa-thuan-hop-tac-toan-dien-216319.html

What's your reaction?

Excited
1
Happy
1
In Love
0
Not Sure
0
Silly
0
maneko
Tên thường gọi: maneko-chan. Chuyên về BtoB marketing và digital marketing, thích đọc các bài viết về chiến lược marketing, chiến lược kinh doanh của các thương hiệu tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Thành thạo Việt Anh Nhật. Yêu thiên nhiên, thích đọc sách, chơi với mèo và ăn vặt ^^

You may also like

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.