Chiến lược marketing của bia Tiger
Chiến lược marketing của bia Tiger: Tiger Beer (hay bia Tiger) là sản phẩm cốt lõi của thương hiệu Asia Pacific Breweries (APB) – nhà máy bia hàng đầu ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Đây là một trong những thương hiệu thành công nhất của Singapore nói riêng và của trên thế giới nói chung. Dòng sản phẩm bia Tiger được sản xuất đầu tiên vào năm 1932 và sau đó đã có mặt tại hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới, khắp châu Âu, Hoa Kỳ, châu Mỹ Latinh, Úc và Trung Đông. Vậy để có thể có được sự nổi tiếng về thương hiệu, cũng như sự thành công trong quảng bá sản phẩm, bia Tiger đã có những hành động gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài phân tích dưới đây về chiến lược marketing của bia Tiger.
1. Tổng quan về thương hiệu bia Tiger
Tiger Beer (hay bia Tiger) là sản phẩm của thương hiệu Asia Pacific Breweries (APB), một nhà máy bia hàng đầu ở Châu Á, khu vực Thái Bình Dương. APB là liên doanh giữa công ty Hà Lan Heineken và Fraser and Neave của Singapore. Hiện tại, phần lớn cổ phần của APB được sở hữu bởi Heineken. APB có 25 nhà máy bia tại hơn 19 quốc gia trên khắp Châu Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, New Zealand và Papua New Guinea.
Bia Tiger là một niềm tự hào của APB cũng như là một trong những thương hiệu thành công nhất của Singapore trên thế giới. Bia Tiger lần đầu tiên được sản xuất vào năm 1932 và sau đó đã có mặt tại hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới, khắp châu Âu, Hoa Kỳ, Châu Mỹ Latinh, Úc và Trung Đông. Bên cạnh đó, bia Tiger cũng giành được nhiều giải thưởng quốc tế và giải thương cho nhiều năm phát triển của mình như:
・Bia Tiger là loại bia đạt nhiều giải thưởng nhất châu Á với hơn 40 giải thưởng quốc tế
・Bia Tiger được bình chọn là bia Lager ngon nhất thế giới vào năm 1998 cũng như giành được giải thưởng quốc tế ngành sản xuất bia tại Vương Quốc Anh (Giải thưởng quốc tế ngành sản xuất bia tương đương với giải Oscar cho ngành công nghiệp bia.)
Hiện tại, Tiger bia được định giá thương hiệu vào khoảng 820 triệu đô la Singapore.
2. Tầm nhìn, sứ mệnh và slogan của bia Tiger
Tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu hoạt động và slogan của bia Tiger có thể được tóm tắt như dưới đây:
・Slogan của bia Tiger
Slogan của bia Tiger là “It’s Time for a Tiger”, lấy cảm hứng từ tên một cuốn tiểu thuyết của tác giả Anthony Burgess.
・Tầm nhìn của APB
Tầm nhìn chiến lược của tập đoàn APB là trở thành một trong những nhà sản xuất bia hàng đầu trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Công ty vẫn đang phát triển mạnh mẽ và không ngừng nghỉ với bằng chứng thông qua chất lượng và sự đổi mới của mình.
・Sứ mệnh của APB
APB đề cao các giá trị của sự chính trực, năng lực và cam kết về sự xuất sắc cũng như tiêu chuẩn cao về quản trị công ty. Mục tiêu chính đằng sau sứ mệnh này là tính minh bạch cũng như nâng cao giá trị lâu dài của cổ đông thông qua tăng trưởng doanh nghiệp, chiến lược trong quá trình phát triển và theo đuổi các sản phẩm bia mới của mình
・Mục tiêu của APB
Keeping focus in our vision, staying sharp in our execution, strengthening the company’s competitive advantage.
Tạm dịch: Tập trung vào tầm nhìn, luôn nhạy bén trong quá trình thực hiện và củng cố lợi thế cạnh tranh của công ty.
Xem thêm các bài viết liên quan:
・Chiến lược marketing của Heineken tại Việt Nam
・Chiến lược marketing của công ty bia Sài Gòn – SABECO
3. Phân tích PEST
Phân tích PEST là phân tích các yếu tố mang tính vĩ mô, liên quan tới chính trị, kinh tế, xã hội và công nghệ. Các yếu tố có ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Phân tích PEST rất quan trọng đối với mọi Doanh nghiệp, đặc biệt các Doanh nghiệp như APB khi tiếp thị sản phẩm trên toàn cầu.
・Yếu tố về chính trị
Các chính sách về giao dịch cũng như chính sách chính trị liên quan tới các hoạt động tiếp thị sản phẩm xuyên quốc gia rất quan trọng đối với hoạt động tiếp thị bia Tiger của APB. Singapore là một thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO) và hội nghị Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC). Vậy nên, Singapore được đánh giá là một môi trường chính trị an toàn, là điểm tựa vững chắc cho APB và bia Tiger để phát triển.
・Yếu tố về kinh tế
Thị trường bia nói chung phụ thuốc rất nhiều vào tình trạng kinh tế của người tiêu dùng. Do đó các yếu tố kinh tế như thuế kinh doanh… luôn giữ vai trò quan trọng đối với các nhà phân tích chiến lược tại APB. Hiện tại, APB đang tập trung tiếp thị Tiger Beer tại Trung Quốc, Úc, Singapore và các quốc gia khác có sức mạnh kinh tế, nơi người tiêu dùng có sức mua cao. Song song với đó, thương hiệu này cũng đang chuẩn bị cho việc gia tăng hoạt động ở các quốc gia khác.
・Yếu tố về xã hội
Đại dịch hô hấp SARS xảy ra năm 2003, cũng như dịch COVID năm 2019 là các yếu tố xã hội gây ra nhiều vấn đề đau đầu cho các nhà tiếp thị bia, đặc biệt là ở khu vực châu Á – nơi có tiềm năng phát triển bia vượt trội. Tuy không ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh nhưng các dịch bệnh đã khiến người tiêu dùng hạn chế các hoạt động xã hội hoặc tiệc tùng có sử dụng bia. Kết quả là đã tạo ra doanh thu tiêu cực cho các nhà sản xuất bia.
・Yếu tố về công nghệ
Đổi mới công nghệ ảnh hưởng trực tiếp tới việc sản xuất bia hơi. Các dây chuyền sản xuất bia ngày nay đều có mặt của công nghệ. Công nghệ giúp tăng trưởng được sản lượng sản xuất bia cũng như giúp cắt giảm chi phí sản xuất. Điều này hoàn toàn đúng với bia Tiger, thương hiệu có tới 25 nhà máy sản xuất ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.
4. Phân tích tổng quan Five Forces
Mô hình Năm Lực lượng của Porter được sử dụng rất phổ biến để đánh giá cấu trúc cạnh tranh của một ngành trong một bối cảnh kinh tế nhất định. Năm yếu tố được kể đến là (1) mối đe dọa của những người mới tham gia, (2) khả năng thương lượng của người mua, (3) mối đe dọa của các sản phẩm thay thế, (4) khả năng thương lượng của các nhà cung cấp, và (5) cường độ cạnh tranh giữa các những người chơi trong ngành.Trong phần phân tích năm lực lượng cạnh tranh Porter của bia Tiger, chúng ta sẽ cùng điểm danh lần lượt các yếu tố theo thứ tự kể trên.
・Mối đe dọa từ người mới tham gia
Trong quá khứ, rào cản gia nhập ngành sản xuất bia là tương đối thấp bởi lẽ bia là sản phẩm chủ yếu sản xuất theo từng địa phương, phù hợp khẩu vị của người dân ở một khu vực địa lý nhất định. Tuy nhiên trong môi trường toàn cầu hóa hiện nay, rào cản gia nhập đã trở nên cao hơn nhiều vì các nhà sản xuất bia liên tục mở rộng không ngừng phạm vi tiếp thị cho các sản phẩm chủ lực của mình. Việc APB toàn cầu hóa thương hiệu bia Tiger là một ví dụ điển hình khi thương hiệu này liên tục phát triển và giới thiệu bia Tiger tới nhiều nơi và khu vực trên thế giới. Mối đe dọa của những người mới tham gia đã thay đổi ở chỗ những người mới tham gia vào các thị trường ngày nay có thể đã là những đối thủ cạnh tranh lớn trên các thị trường lâu đời khác.
・Khả năng thương lượng của người mua
Không chỉ trong thị trường sản xuất bia hơn mà mọi thị trường khác cũng vậy, người tiêu dùng luôn là ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quan trọng để một thương hiệu có thể tiếp tục phát triển được hay không. Và trong thị trường bia thì người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng hơn nữa với sự ra đời của môi trường kinh doanh toàn cầu hóa, dẫn tới sự lựa chọn về sản phẩm được mở rộng. Để có thể sống sót trong thị trường bia thì điều quan trọng là phải để người tiêu dùng biết tới sự tồn tại của thương hiệu. Như vậy, khả năng thương lượng của người mua là rất cao trong thị trường này.
・Mối đe dọa của các sản phẩm thay thế
Không thể nói gì thêm vì mối đe dọa của các sản phẩm thay thế trong thị trường bia luôn được đánh giá ở mức cao nhất vì các đối thủ cạnh tranh liên tục tung ra các sản phẩm đồ uống có cồn. Vì vậy, bia Tiger cũng giống như các đối thủ cạnh tranh khác luôn phải đấu tranh rất vất vả để giành được thị phần từ tay đối thủ. Và chiến lược marketing của bia Tiger cũng chỉ là một yếu tố trong tổng thể thương hiệu.
・Khả năng thương lượng của nhà cung cấp
Trong thời đại nào cũng vậy, để có thể sản xuất được các sản phẩm bia tươi ngon thì chất lượng nguyên liệu đầu vào cũng phải được quản lý nghiêm ngặt và giữ ở mức cao nhất. Trong quá khứ, các sản phẩm bia được sản xuất dựa theo dây chuyền địa phương, với các nguồn nguyên liệu phụ thuộc theo từng địa phương. Tuy nhiên trong thời đại vận tải hàng không ngày nay, thì việc đặt nguyên liệu hàng ở các địa phương không còn quá được chú trọng khi các nhà sản xuất bia có rất nhiều sự lựa chọn để nhập khẩu nguyên liệu ở nước ngoài. Do đó, sức mạnh của các nhà cung cấp trên thị trường bia không còn mạnh như trước đây.
・Cường độ cạnh tranh giữa các Doanh nghiệp trong ngành
Chắc chắn không thể có một thị trường nào mà sự cạnh tranh giữa các bên lại gay gắt và quyết liệt như thị trường bia. APB đã phải lường trước rất nhiều yếu tố liên quan đến sự cạnh tranh trong ngành trước khi các sản phẩm bia Tiger được giới thiệu. Sự cạnh tranh mà APB phải đối mặt bao gồm các “tay chơi” sản xuất bia truyền thống cũng như các nhà tiếp thị bia đến từ thị trường nước ngoài.
5. Phân tích mô hình SWOT của bia Tiger
Bốn yếu tố trong mô hình SWOT bao gồm điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của bia Tiger được phân tích như ở dưới đây:
・Điểm mạnh của bia Tiger
1/ Danh tiếng của thương hiệu
Tiger Beer có giá trị thương hiệu mạnh ở châu Á, đặc biệt là ở Singapore. Trong những năm kể từ năm 1989, bia Tiger đã phát triển vượt bậc từ 3 nhà máy bia lên 25 nhà máy bia tại 19 quốc giá trên khắp châu Á.
2/ Định giá thương hiệu
Tiger Beer là một trong những thương hiệu thành công nhất của Singapore và trên thế giới. Hiện nay, thương hiệu bia Tiger được định giá 820 triệu đô la Singapore.
3/ Khách hàng địa phương
Trong mỗi quốc gia mà bia Tiger đặt chân đến, thương hiệu này đều cố gắng tạo những mạng lưới khách hàng địa phương quen thuộc. Sự hiểu biết sâu rộng của đội ngũ quản lý của công ty APB về thị trường khu vực Đông Dương, thói quen của người tiêu dùng, ẩm thực đặc trưng của từng khu vực… đã thúc đẩy sự phát triển của thương hiệu bia Tiger cũng như tạo đà tăng trưởng bền vững cho thương hiệu trên thị trường trong nước và khu vực. Ngoài ra, hương vị đặc trưng, riêng biệt của bia Tiger cũng là một yếu tố mà được Khách hàng địa phương chọn lựa vì sự phù hợp với thời tiết nóng ẩm cũng như khẩu vị phù hợp với các món ăn ngon của châu Á.
4/ Mạng lưới phân phối rộng khắp
Một điểm mạnh khác của thương hiệu bia Tiger chính là nằm ở mạng lưới phân phối và thị phần rộng khắp thông qua sự liên kết của hai cổ đông là Fraser and Neave, Limited (F&N) và Heineken International. Như phần đông đều biết, Heineken International là thương hiệu lâu đời và có độ phủ sóng rộng trong các nhà sản xuất bia thông qua mạng lưới các nhà phân phối toàn cầu và 115 nhà máy bia tại hơn 65 quốc gia. Việc có mạng lưới các nhà phân phối rộng khắp của Heineken International cho phép bia Tiger có thể được xuất và nhập khẩu đến các thị trường lớn và có lợi nhuận trên toàn thế giới.
・Điểm yếu của bia Tiger
1/ Xu hướng đổi mới
Giới trẻ trong những năm gần đây thường ưa chuộng rượu mạnh hơn bia vì cảm giác mạnh mang vẻ mới lạ từ rượu. Ngoài ra, một thị trường cạnh tranh như sản xuất bia thì những tiến bộ trong công nghệ từ việc đổi mới của các nhãn hiệu bia khác là những yếu tố khiến bia Tiger liên tục bị đe dọa.
2/ Sức khỏe
Nhiều bệnh liên quan đến sức khỏe bao gồm bệnh gan, bệnh tim có liên quan đến việc hấp thụ các chất kích thích chứa cồn như bia và rượu. Việc uống điều độ các chất kích thích này có thể mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe nhưng trên thực tế những người thường xuyên uống rượu bia thì lại tiêu thụ trên mức khuyến nghị.
3/ Tai nạn giao thông
Không chỉ ở Việt Nam, tại nhiều quốc gia Đông Nam Á thì tỷ lệ tử vong do uống rượu bia khi lái xe ngày càng tăng. Mặc dù rất nhiều biện pháp đã được áp dụng nhưng nhiều vụ tai nạn thương tâm vẫn xảy ra cho thấy nhiều lái xe không chấp hành luật. Việc số lượng các vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia tăng có thể sẽ dẫn tới các chế tài nghiêm khắc hơn trong việc sản xuất và buôn bán bia rượu từ Chính phủ, ảnh hưởng tới doanh số bán hàng.
4/ Đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 xảy ra trong thời gian gần đây là bằng chứng cho thấy các nhà sản xuất rượu bia thường có độ nhạy cảm cực kỳ cao với các hoạt động xã hội. Việc các hoạt động giãn cách xã hội xảy ra trong thời gian gần đây khiến cho người tiêu dùng hạn chế việc mua bán các chất kích thích bằng cồn như rượu, bia… Và thông qua đại dịch, người tiêu dùng cũng chú trọng đến sức khỏe của bản thân hơn khiến cho việc thụ rượu bia, vốn được coi là có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe đều bị hạn chế.
・Cơ hội của bia Tiger
1/ Sự gia tăng thu nhập cá nhân
Loại bỏ các yếu tố tiêu cực trong thời gian gần đây thì thị trường bia vẫn được đánh giá là phát triển rất sôi động, đặc biệt với sự gia tăng thu nhập cá nhân của người tiêu dùng. Và hơn nữa, bia vẫn là đồ uống có cồn phổ biến trong văn hóa của người Việt.
2/ Sự gia tăng dân số
Dân số và bia nghe thì có vẻ không liên quan nhưng thực tế ra, sự gia tăng dân số tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam thực sự là cơ hội lớn mang lại cho các nhà sản xuất bia như APB. Nhiều người hơn tương ứng với sự gia tăng việc tiêu thụ bia nhiều hơn. Điều này làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm của bia Tiger.
・Thách thức của bia Tiger
1/ Đa dạng hóa sản phẩm
Mặc dù được ra đời từ những năm 1932 nhưng hiện tại, bia Tiger cũng chỉ có 4 sản phẩm. Đây thực sự là một hạn chế lớn đối với một thương hiệu đã có tên tuổi trên thị trường.
2/ Sự cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ
Trong thị trường nước giải khát như bia thì sự cạnh tranh giữa các thương hiệu là điều không tránh khỏi. Và một yếu tố nữa ảnh hưởng tới sự phát triển của thương hiệu chính là lòng trung thành của người tiêu dùng với thương hiệu. Đứng trước rất nhiều lựa chọn thì người tiêu dùng có xu hướng thích sử dụng sản phẩm mới, đem lại cảm giác mới lạ. Vậy nên, để có thể tồn tại được giữa một thị trường khốc liệt như hiện nay thì các thương hiệu bia như bia Tiger cần có một định vị người dùng tốt, với các điểm mạnh nổi bật cũng như thông điệp truyền cảm xúc khó quên tới người dùng.
Xem thêm các bài viết liên quan:
・Chiến lược marketing của cà phê G7 tại Việt Nam
・Chiến lược marketing của cà phê Trung Nguyên tại Việt Nam
6. Chiến lược marketing của bia Tiger
・Thị trường mục tiêu của bia Tiger
Thị trường mục tiêu của bia Tiger nhắm tới chủ yếu tới giới trẻ, nhóm tuổi từ 24-35 (thế hệ Y). Đây là nhóm Khách hàng được đánh giá là có lòng trung thành cao, không thích trải nghiệm nhiều thứ mới lạ. Khách hàng thuộc thế hệ Y là những người đã có ít nhiều kinh nghiệm trong xã hội, với nhiều biến cố thăng trầm của cuộc đời, nên họ có sự điềm đạm và khéo léo từng trải. Những người thuộc thế hệ Y là nhóm không dễ bị tác động và thay đổi thói quen. Nhưng thế hệ Y lại là nhóm có mối quan hệ xã hội rộng, thường giao tiếp theo nhóm, ăn uống với bạn bè và người thân, có thu nhập cố định… Chính vì những đặc trưng này mà thế hệ Y được coi là thị trường mục tiêu của bia Tiger.
・Định vị thị trường của bia Tiger
Không chỉ có vậy, bia Tiger đã tạo nên một văn hóa đồ uống khi thương hiệu này nhấn mạnh vào yếu tố biểu tượng của “Tinh thần nam giới Á Đông” đối với Khách hàng. Nhiều khảo sát thị trường cho thấy, người tiêu dùng chọn mua loại bia này vì sự cá tính cũng như giá cả và chất lượng. Tuy nhiên, chính việc quảng cáo nhắm tới thông điệp, bia Tiger không chỉ đơn thuần là một loại đồ uống mà là cách thể hiện “Bản lĩnh nam giới” đã làm tăng sự độc đáo, khiến cho Khách hàng có nhận thức hơn về thương hiệu bia Tiger. Kết quả là bia Tiger được đánh giá là thương hiệu có tầm phủ sóng tốt với 46% (top 1 tại thành phố Hồ Chính Minh) và 16% (top 3 tại thủ đô Hà Nội). Chính điều này đã khiến việc lựa chọn bia Tiger trở thành thói quen đối với người tiêu dùng thế hệ Y nói riêng và người tiêu dùng Việt Nam nói chung.
. Chiến lược Marketing mix của bia Tiger
Các chiến lược marketing mix của bia Tiger được đánh giá thông qua hai yếu tố sản phẩm và quảng cáo như các điểm dưới đây:
・Sản phẩm (Product)
Mặc dù được ra mắt vào năm 1932 nhưng Tiger Beer vẫn chỉ có 4 dòng sản phẩm chính, khác xa với chiến lược đa dạng sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh.
1/ Tiger Original
Được ra đời vào những năm 1932, bia Tiger được biết đến là một loại bia nhạt nổi tiếng quốc tế về hương vị và chất lượng. Mỗi chai Tiger đều trải qua một quy trình ủ bia nghiêm ngặt kéo dài hơn 500 giờ và chỉ sử dụng những nguyên liệu chất lượng nhất như lúa mạch được trồng ở Úc và Châu Âu, hoa bia đến từ Đức. Kết quả cho quá trình này là hương vị đậm đà, sảng khoái, tràn đầy sức sống của một trong những thương hiệu bia đương đại hàng đầu thế giới. Bia Tiger thường có nồng độ cồn là 5%.
2/ Tiger Crystal
Tiger Crystal là một loại sản phẩm mang đặc trưng riêng biệt của bia Tiger với cách ủ độc đáo, giúp lọc bia ở -1độ C, nhằm bảo quản và thể hiện hương vị đậm đà, lưu giữ vị nhẹ nhàng trong miệng sau khi uống.
3/ Tiger White
Một loại bia mang đến sự tươi mát với những bọt sủi nhẹ nhàng khi rót. Tiger White có vị cay tinh tế của cây đinh hương, rau mùi và vỏ cam, mang đến cảm giác dịu cơn khát ngay lập tức cho người uống.
4/ Tiger Black
Dòng bia Tiger Black được ủ bằng gạo đen, có hương vị đậm đà cho người uống.
・Quảng bá (Promotion)
Bia Tiger sử dụng nhiều kênh quảng cáo khác nhau để quảng bá sản phẩm và bán sản phẩm. Các chiến dịch của bia Tiger nhắm tới việc truyền cảm hứng cho giới trẻ, dám nghĩ dám làm, đối mặt với thử thách để theo đuổi đam mê, sống tích cực, dám nghĩ, dám làm, đối mặt với thử thách trong cuộc sống.
1/ Facebook
Bia Tiger, cũng giống như các Doanh nghiệp khác hoạt động khá tích cực với số lượng bài viết đăng với tần suất trung bình 2-3 ngày/bài. Bia Tiger sử dụng Facebook để kết nối với Khách hàng thông qua các chương trình khuyến mãi hoặc bài viết PR thương hiệu. Khoảng cách tương tác của các post được đánh giá là rất lớn. Có post với hơn 10,000 lượt tương tác nhưng có post chỉ khoảng 80-200 lượt tương tác. Số lượng tương tác này vẫn được coi là khá thấp với một Doanh nghiệp có lịch sử hình thành lâu đời như bia Tiger.
2/ YouTube
YouTube cũng là một kênh truyền thông mới nổi tại Việt Nam. Trung bình, người Việt Nam sẽ dành khoảng 1-2 giờ mỗi ngày để xem YouTube và tương tác với các video mà họ yêu thích. Bia Tiger cũng sử dụng YouTube như là một kênh truyền thông cho thương hiệu với hơn 3,6 triệu người đăng ký. Một con số khá lớn so với trung bình tại Việt Nam. Bia Tiger sử dụng YouTube như một nền tảng để tải các video, các hoạt động mà thương hiệu đang tham gia.
3/ Tiktok
Tiktok cũng là một kênh truyền thông được bia Tiger sử dụng. Mặc dù không mấy khi đăng tải nội dung thường xuyên như Facebbook nhưng số lượng người đăng ký Tiktok của bia Tiger lại tăng vọt. Lý do là thương hiệu này có chiến lược sử dụng KOL rất linh hoạt. Ví dụ, vào năm 2020, clip “Optimistic Dance” của Tiger kết hợp với vũ công Quang Đăng đã nhận được một được các bạn trẻ và nhiều người nổi tiếng hưởng ứng nhiệt tình tham gia như Ngô Kiến Huy…
4/ Quảng cáo truyền hình
Đối với các thương hiệu B2C như bia Tiger thì quảng cáo truyền hình đóng vai trò là một kênh giao tiếp quan trọng để mở rộng phạm vi ảnh hưởng, thị phần, cũng như đạt được số lượng khán giả tiềm năng tối đa. Tại Việt Nam, các chương trình quảng cáo của bia Tiger có thể dễ dàng tìm thấy trong dịp Tết hoặc các mùa bóng đá, thể thao. Một trong số các quảng cáo truyền hình ăn khách thời gian gần đây mà bia Tiger thực hiện là hợp tác với Sơn Tùng MTP trong show: Dừng lại hay bứt phá | Sơn Tùng MTP x Tiger Beer. Thông qua các show có kết hợp với người nổi tiếng như trên, bia Tiger thực sự đã tạo ra kết nối với cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam.
7. Các đối thủ cạnh tranh
APB hay thương hiệu bia Tiger phải đối đầu với 10 đối thủ quan trọng trong nỗ lực quảng bá thương hiệu tới người dùng trong nước và quốc tế. Các đối thủ của bia Tiger đều là các thương hiệu mạnh, cả về tên tuổi lẫn tiềm lực tài chính. Ngoài ra, các thương hiệu này hầu hết đều có vị thế tại một thị trường nào đó, trong một khu vực nhất định. Chúng ta hãy cùng điểm qua tên tuổi của các thương hiệu cạnh tranh với bia Tiger ở dưới đây:
・Anheuser-Busch
Công ty có trụ sở tại và vị trí thống trị toàn cầu tại Hoa Kỳ và dẫn đầu về doanh số bán hàng.
・Asahi Breweries
Công ty có trụ sở và có vị thế vững chắc tại Nhật Bản
・Foster’s
Công ty có trụ sở và có vị thế vững chắc tại Nhật Bản
・Interbrew
Công ty có trụ sở tại Bỉ với vị thế vững chắc ở Châu Âu và toàn cầu
・Kirin
Công ty có trụ sở và có vị thế vững chắc tại Nhật Bản
・Lion Nathan
Công ty có trụ sở tại Úc và New Zealand với vị thế vững chắc tại khu vực này cũng như trên trên toàn cầu.
・SAB Miller
Công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh, được thành lập bởi sự hợp nhất của Nhà máy bia Nam Phi và Nhà máy bia Miller. SAB Miller có vị trí vững chắc ở cả Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, cũng như xếp thứ hai sau Anheuser-Busch trên toàn cầu.
・Sapporo
Công ty có trụ sở và có vị thế vững chắc tại Nhật Bản
・Suntory
Công ty có trụ sở và có vị thế vững chắc tại Nhật Bản cũng như có vị thế ngày càng tăng trên toàn cầu.
・Tsingtao
Công ty có trụ sở tại Trung Quốc và có vị thế ngày càng tăng trên toàn cầu.
Xem thêm các bài viết về chiến lược marketing tại link.
8. Lời kết
Chiến lược marketing của bia Tiger với những chia sẻ và phân tích về môi trường tổng quan tại Việt Nam, cũng như đối thủ cạnh tranh cùng các chiến lược marketing đã thể hiện được phần nào lý do vì sao người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ lại ưa chuộng bia Tiger đến vậy. Với các chiến lược marketing tinh gọn và nhắm chắc tới mục tiêu rõ ràng, bia Tiger hoàn toàn có thể hứa hẹn một tương lai không xa về sự phát triển chậm nhưng chắc chắn tại thị trường Việt Nam.
Bài viết có sử dụng thông tin từ nhiều nguồn tham khảo của nhiều tác giả.