Chiến lược kinh doanh quốc tế của Samsung
Chiến lược kinh doanh quốc tế của Samsung: Tập đoàn Samsung là một doanh nghiệp đa quốc gia khổng lồ, bao gồm hơn ba mươi tập đoàn trực thuộc trong các ngành công nghiệp khác nhau bao gồm điện tử, xây dựng, thiết bị gia dụng… Tập đoàn Samsung được thành lập vào năm 1938 và hiện là tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc. Trong suốt 80 năm hình thành và phát triển của mình, Samsung đã chuyển đổi giữa nhiều mô hình kinh doanh và sử dụng nhiều chiến lược khác nhau. Và kết quả cho những lần cải tổ đó là ngày nay, chúng ta chứng kiến một Samsung hùng mạnh, một tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở hầu hết mọi khu vực lãnh thổ trên thế giới. Là một tập đoàn toàn cầu, Samsung đã đạt được thành công lớn cả ở thị trường trong và ngoài nước. Trung bình trong một ngày hoạt động của Samsung, tập đoàn này sử dụng hơn nửa triệu nhân công cho một ngày làm việc. Vậy đối với một tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh như vậy, chiến lược kinh doanh quốc tế của Samsung được diễn ra như thế nào? Hoạt động ra sao? Chúng ta sẽ phân tích trong bài viết dưới đây.
1. Tổng quan về tập đoàn Samsung
“At Samsung, we follow a simple business philosophy: to devote our talent and technology to creating superior products and services that contribute to a better global society.”
Trích Samsung.com, Values & Philosophy
Tập đoàn Samsung có vị thế hàng đầu trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh quy mô lớn, với cơ cấu của một tập đoàn lớn gồm hơn ba mươi công ty trực thuộc với nhiều hoạt động khác nhau. Không chỉ sản xuất, Samsung còn đóng vai trò là nhà cung cấp, nghiên cứu kỹ thuật và cung cấp dịch vụ… Đáng kể trong số các công ty con của Samsung là Samsung Electronics, một công ty công nghệ cao, chuyên nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm về điện tử, vi mạch… Với mức tăng trưởng 5700% doanh thu trong 20 năm, Samsung Electronics đã trở thành là một trong những nhà cung cấp lớn nhất cho các công ty công nghệ cao tầm quốc tế như Apple, Sony, IBM… thông qua sản xuất chip, pin và bộ nhớ. Sau một vài năm kinh nghiệm Samsung Electronics đã trở thành một trong những nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất cho thị trường điện thoại thông minh và đây vẫn là đơn vị có lợi nhuận cao nhất trong tập đoàn Samsung.
Mảng kinh doanh di động được coi là mảng gặt hái được nhiều thành công lớn trên mọi thị trường hoạt động của Samsung, đóng góp to lớn cho doanh thu và lợi nhuận của toàn tập đoàn. Với triết lý tích cực đổi mới, Samsung luôn duy trì cải cách sản phẩm với tốc độ thường xuyên, chẳng hạn như Galaxy S5, Galaxy Note 4 và Galaxy Note Edge…. Mảng kinh doanh di động này sẽ được nhắc lại nhiều lần trong bài viết này vì tính áp đảo về mặt lợi nhuận thu được trong tình hình hoạt động kinh doanh chung của Samsung.
2. Bộ khung chiến lược tích hợp – đáp ứng
Một trong những chiến lược kinh doanh quốc tế mà Samsung áp dụng, phải kể tới đầu tiên chính là “Bộ khung tích hợp – đáp ứng”, tên tiếng Anh là The Integration-Responsiveness Framework. Bộ khung này có bốn khía cạnh chính, tuy nhiên đối với Samsung, tập đoàn này chỉ sử dụng hai trong số đó, có tên gọi là “chiến lược toàn cầu (global strategy)” và “chiến lược xuyên quốc gia (transnational)”.
・Chiến lược toàn cầu (Global Strategy)
Đầu tiên là chiến lược toàn cầu. Không thể phủ nhận Samsung là một tập đoàn đa quốc gia với các công ty con ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Mỗi công ty con của Samsung có trách nhiệm cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm tới dây chuyền sản xuất của Khách hàng địa phương. Một trong những yếu tố quan trọng của chiến lược này là tập trung vào hiệu quả mang tính kinh tế thông qua việc tham gia vào nhiều loại hình kinh doanh và tiêu chuẩn hóa sản phẩm với mục tiêu đạt được chi phí sản xuất thấp nhất và tiêu chuẩn hóa đồng nhất chất lượng sản phẩm đầu ra trên toàn thế giới.
Bằng chứng cho chiến lược toàn cầu này của Samsung nằm ở loại điện thoại thông minh hàng đầu, “Galaxy”. Galaxy có mặt ở hầu hết các quốc gia với thông số kỹ thuật và tính năng đồng nhất, bất kể nhu cầu của quốc gia đó như thế nào. Tiếp theo sau đó là Galaxy S và Galaxy Note. Đây là các dòng điện thoại được đánh giá là điểm neo đầu tiên cho các dòng sản phẩm của còn lại của Samsung. Ngoài ra, Samsung cũng là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất trên thị trường nên thương hiệu thường sử dụng các sản phẩm giàu tính năng và mạnh mẽ trong các hoạt động quảng cáo mang tính cạnh tranh khốc liệt của mình. Một Khách hàng khi xem quảng cáo của Samsung, tuy không thể nhận biết được đầy đủ các dòng điện thoại thông minh như họ chắc chắn rằng, dòng điện thoại hàng đầu sẽ luôn chứa tất cả tính năng được trình bày trong quảng cáo. Đây chính là điểm mạnh trong chiến lược toàn cầu của Samsung.
・Chiến lược xuyên quốc gia (Transnational)
Thứ hai là chiến lược xuyên quốc gia. Chiến lược toàn cầu tuy đạt được tính nhất quán trong hoạt động sản xuất của mọi quốc gia, tuy nhiên nó lại thiếu tính mềm dẻo, linh hoạt trong hoạt động ở các quốc gia khác nhau. Vậy nên trong bối cảnh đó, chiến lược xuyên quốc gia (transnational) được ra đời, tập trung vào việc phát triển kinh tế tùy theo quy mô, thích ứng với thị trường địa phương, tìm kiếm hoạt động kinh doanh ở những địa điểm tối ưu, gia tăng luồng thông tin và cơ hội học hỏi cho Samsung. Chiến lược này được đánh giá là có khả năng hội nhập toàn cầu ở mức độ cao, đồng thời được nhiều quốc gia hưởng ứng.
Một ví dụ rất tiêu biểu là quá trình Samsung mở rộng, xây dựng các nhà máy sản xuất ở khu vực mới như ở Ai Cập và Nam Phi. Trước đó, khi mở nhà máy ở Nigeria, Samsung đã có những dẫn chứng về điều chỉnh quy mô hoạt động, dây chuyền sản xuất do sự khác biệt về cơ sở hạ tầng và các khoản giảm thuế có sẵn ở trong khu vực. Ví dụ này, chúng ta có thể thấy được mối quan tâm của Samsung đến sự phát triển của kinh tế theo quy mô khu vực. Hơn nữa, cũng trong ví dụ trên, khi nhà máy sản xuất ở Nigeria bị trì hoãn do những lo ngại đến từ thị trường như hàng giả và những khó khăn về hậu cần. Tuy nhiên sau đó, Samsung vẫn hợp tác với chính phủ Nigeria để thực hiện các kế hoạch phát triển nhà máy sản xuất cho tương lai gần.
Ngoài ra, một ví dụ khác cho thấy Samsung cũng chú ý đến nhu cầu của các quốc gia đang hoạt động là sự ra đời của dòng điện thoại thông minh giá rẻ, có tên là Galaxy A. Dòng điện thoại này không có sẵn ở Hoa Kỳ vì thu nhập bình quân cao cũng như các chính sách mua hàng chiết khấu của nhà mạng. Vậy nên, Galaxy A chỉ được bán ở các quốc gia ngoài Mỹ, với giá cả cực kỳ phải chăng. Đây là cách tiếp cận cho phép Samsung mở rộng phạm vi Khách hàng của mình nhằm cung cấp các tùy chọn ngân sách cho người không có khả năng mua các sản phẩm ở nhóm đầu.
Xem thêm các bài viết liên quan
・Chiến lược kinh doanh quốc tế của Coca-Cola
・Chiến lược kinh doanh quốc tế của Toyota
3. Quan hệ của Samsung với các công ty con
Các tập đoàn lớn của Samsung thường có thể lựa chọn đa dạng các cấu trúc quan hệ khác nhau khi đề cập tới mối quan hệ giữa công ty mẹ (Samsung) và các chi nhánh công ty con. Thông thường, các tập đoàn lớn như Samsung có thể chọn nhiều cấu trúc quan hệ khác nhau khi muốn xác lập mức độ ảnh hưởng của công ty mẹ lên các công ty con. Sự lựa chọn mà công ty mẹ đặt ra có thể ảnh hưởng tới sáng kiến của các công ty con trong quá trình kinh doanh cũng như kế hoạch tương lai của cả công ty. Mặc dù Samsung không tiết lộ toàn bộ cấu trúc quản lý của mình nhưng chúng ta có thể xác định được dựa trên sự phát triển, tăng trưởng và cách thức thực hiện thay đổi trên quy mô toàn cầu.
Ban đầu, Samsung được thành lập như một công ty thương mại nhưng nhanh chóng bắt đầu mua lại các công ty con để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình. Sự đa dạng hóa rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực hoàn toàn không phải là điểm mạnh của Samsung. Vậy nên, kết quả cho thấy, nhiều công ty con của họ hoạt động tương đối độc lập với nhau. Và mối qua hệ giữa công ty mẹ và công ty con không thể hòa hợp hoặc hoạt động theo cách đồng nhất. Ví dụ, bộ phận đóng tàu của công ty không có tương tác với bộ phận chế biến thực phẩm trong khi cả hai vẫn hoạt động dựa trên đơn hàng nhận được cùng sự hoạt động từ sự quản lý của công ty mẹ.
Một ví dụ khác cho việc hoạt động độc lập giữa các công ty con của Samsung là trong các vụ bê bối gần đây, khi một quan chức cao cấp của Samsung bị kết án với nhiều tội danh tham nhũng và hối lộ, cũng như liên quan đến vụ tham nhũng của cựu tổng thống Hàn quốc Park Geun Hye. Sau vụ việc, giám đốc điều hành Lee Jae Yong đã được trả về do kháng cáo thành công nhưng người ta thầy rằng, không có dự án quan trọng nào bị hoãn hay thay đổi theo bất kỳ cách nào và hầu như không có vấn đề nào gặp phải khi ông này ngồi tù. Điều này cho thấy mặc dù, công ty mẹ Samsung có những quyền kiểm soát đối với công ty con nhưng mức độ ảnh hưởng không lớn và không gây ảnh hưởng tới công việc sản xuất hàng ngày của thương hiệu này. Đây chính là lý do tại sao Samsung không gặp vấn đề gì lớn trong hoạt động của mình mặc dù dính vào một vụ bê bối chính trị lớn.
Bài viết liên quan:
・Ma trận SWOT của Samsung (Phiên bản mới nhất)
・Chiến lược marketing của Samsung Galaxy S10
4. Khả năng thay đổi cục diện
Tuy các công ty con của Samsung hoạt động độc lập, nhưng không có nghĩa không có mối liên hệ mạnh nào với công ty mẹ. Lịch sử hình thành và phát triển của Samsung cho thấy thương hiệu này sẽ không thể thành công nếu không có sự thay đổi đồng loạt trên tất cả các công ty con một cách kịp thời. Một ví dụ rất quan trọng là vào năm 1996 khi chủ tịch tập đoàn Samsung, Lee Kun-Hee đưa ra sứ mệnh mới là đưa Samsung trở thành một trong những công ty cạnh tranh nhất trên thị trường toàn cầu. Trước khi sứ mệnh trên được đưa ra, Samsung đã trải qua một thời kỳ trì trệ khi công ty rơi vào tình trạng suy thoái do hàng loạt vụ mua lại không thành công và đấu thầu thất bại. Samsung lúc đó gần như không nắm bắt được các xu hướng công nghệ tiên tiến và lúc đó đã trên bờ ngấp nghé nếu không làm gì để ngăn chặn điều đó. Và tuyên bố của chủ tịch Kun-Hee đã bắt đầu một bước ngoặt mới cho toàn tập đoàn.
Một ví dụ khác là khi Samsung bắt đầu đầu tư mạnh vào thay đổi thiết kế cho tất cả các sản phẩm trực thuộc thương hiệu Samsung với mục tiêu tạo ra những sáng tạo mới, giúp Samsung nâng tầm, trở thành một công ty mới trong kỷ nguyên hiện đại. Sự thay đổi này được lan truyền trên các kênh truyền thông và trong những thay đổi trong chiến lược công ty. Tuy gặp phải vấn đề về chuỗi cung ứng tấm nền LCD cho sản xuất nhưng Samsung đã không chịu khuất phục mà đã tạo ra một chuỗi cung ứng mới cho tấm nền LCD, tiết kiệm chi phí hơn. Có thể nói, Samsung chỉ có thể đạt được sứ mệnh của mình và tiếp tục hoạt động khi có tầm nhìn nhất quán trên tất cả các công ty con của mình, được truyền đạt rõ ràng và có sự hỗ trợ của tất cả các bên liên quan. Cách tiếp cận này cho phép Samsung có vị trí dẫn đầu trong công nghệ tivi và sản xuất điện thoại thông minh mới với cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
5. Quan hệ đối tác của Samsung
Một trong những quan hệ đối tác quan trọng nhất mà Samsung tham gia là hợp tác liên minh với Apple Inc. Quan hệ Samsung – Apple bắt đầu vào năm 2005 khi Apple Inc. yêu cầu cung cấp bộ nhớ cho điện thoại thông minh và các sản phẩm di động khác của họ. Vào thời điểm đó, thị trường bộ nhớ đang trong trạng thái biến động và Samsung là đối tác khả thi duy nhất của Apple. Những tiến bộ công nghệ mà Samsung đạt được ở thập kỷ trước cho phép Samsung có khả năng kiểm soát gần một nửa thị trường bộ nhớ flash NAND trên thế giới. Sự hợp tác này được đánh giá là “win-win” khi Apple có được nguồn cung cấp bộ xử lý ổn định, trong khi Samsung có cái nhìn sâu sắc hơn về ngành công nghiệp điện thoại thông minh mới nổi. Và đỉnh cao trong sự hợp tác là hai công ty đã phối hợp nhịp nhàng với nhau trong việc tạo ra được một bộ xử lý chuyên cho các sản phẩm hàng đầu của Apple. Tuy sự hợp tác này không kéo dài vì sự gia nhập của Samsung vào thị trường điện thoại thông minh béo bở, nhưng đây cũng là minh chứng cho việc Samsung luôn tìm kiếm cơ hội để hợp tác và liên minh với tiêu chí đôi bên cùng lợi.
Một vài chi tiết bên lề về quan hệ Samsung và Apple là, dòng sản phẩm điện thoại thông minh đầu tiên mà Samsung tung ra thị trường được gọi là “Omnia”, sử dụng phiên bản di động của windows để xử lý các ứng dụng. Tuy nhiên, các tính năng lỗi thời của sản phẩm này đã nhận phải không ít gạch đá của công chúng. Vậy nên, Samsung đã tung ra dòng điện thoại thông minh thứ hai có tên “Galaxy S”, có tính cạnh tranh cao và giống với phiên bản iPhone mà Apple đang bán vào thời điểm đó. Điều này dấy lên mối lo ngại từ Apple, và ngay lập tức, Apple đã có công văn khiếu nại chính thức với hy vọng Samsung sẽ thay đổi thiết kế của mình. Tuy nhiên sau đó, Samsung không hề thay đổi thiết kế Galaxy S của mình và sau đó vào năm 2011, Samsung tung ra Galaxy Tab, với thiết kế giống iPad của Apple. Tuy cả hai công ty vẫn hợp tác chặt chẽ với nhau ở thời điểm đó vì nguồn cung bộ nhớ. Nhưng Apple đã chính thức tung đơn kiện Samsung vào tháng 4 năm 2011.
Xem thêm các bài viết liên quan
・Cách quảng cáo bán rượu
・Chiến lược kinh doanh nhà thuốc
6. Thiếu đạo đức nghề nghiệp
Tuy có những điểm mạnh không thể không phủ nhận nhưng Samsung cũng có điểm yếu bị đả kích kịch liệt. Một trong những điểm yếu cần phải kể ra là thiếu tính trách nhiệm xã hội (social responsibility). Đạo đức và pháp lý là hai thứ Samsung đang bị lên án một cách kịch liệt. Các vụ tham nhũng chính trị cùng điều kiện việc làm không an toàn chính là hai ví dụ minh chứng rõ ràng nhất.
Ví dụ về điều kiện làm việc khi Samsung nhận các khiếu nại về điều kiện làm việc thấp kém một cách vô trách nhiệm ở châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ. Với hơn 300 trường hợp mắc bệnh ung thư được ghi nhận ở các công nhân trong nhà máy Samsung, hay sự cố công nhân bị ốm do hóa chất liên quan trong quá trình sản xuất làm dấy lên các làn sóng phản đối giận dữ từ bên trong nội bộ của nhân viên. Tuy nhiên, Samsung đã tổ chức nhiều hoạt động chống lại tổ chức công đoàn cũng như cố gẵng bịt miệng các nhà nghiên cứu nhân quyền theo dõi hoạt động của nhà máy. Đối với các vấn đề này, Samsung bị đánh giá là đã không giải quyết tình hình một cách có trách nhiệm hơn.
Xem thêm các bài viết tổng hợp về chiến lược kinh doanh tại đây.
7. Lời kết
Bài viết trên nói về chiến lược kinh doanh quốc tế của Samsung, một trong những tập đoàn lớn nhất trên thế giới. Tuy hoạt động trên quy mô lớn với hàng chục công ty con trên khắp thế giới thì số liệu lợi nhuận của Samsung vẫn liên tục tăng lên từ năm này qua năm khác. Điều này bắt đầu từ chiến lược kinh doanh quốc tế kết hợp với phương pháp tiếp cận kinh doanh xuyên quốc gia của Samsung. Tính độc lập, tính đồng nhất, tính phù hợp với nhu cầu của người dùng trong từng khu vực, sự hợp tác với các công ty liên quan để cùng phát triển là những yếu tố đáng học hỏi từ Samsung. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cần phải để ý tới tính đạo đức và pháp lý khi nói về quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về chiến lược kinh doanh của Samsung!
Nguồn tham khảo:
https://studycorgi.com/samsung-companys-international-strategy/