Chiến lược marketing của Momo – Người bạn tài chính tin cậy
Chiến lược marketing của Momo: Momo (hay còn được biết tới tên gọi “Ví điện tử Momo”) là một nền tảng ví điện tử của M_Service với tầm nhìn trở thành người bạn tài chính cho mọi công dân Việt Nam. Được ra đời vào những năm 2007, với sự phát triển không ngừng, ví điện tử MoMo đã đón nhận hơn 31 triệu người tiêu dùng. Để có thể tìm hiểu kỹ hơn về thương hiệu MoMo, cách thức hoạt động cũng như các chiến lược tiếp thị kinh doanh, chúng ta hãy cùng phân tích chiến lược marketing của MoMo trong bài viết dưới đây.
1. Giới thiệu về Momo
MoMo hay còn được biết tới tên gọi ví điện tử Momo là một sản phẩm tài chính được cung cấp bởi công ty cổ phần dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) cho phép người dùng có thể thực hiện các giao dịch và thanh toán ngay trên thiết bị di động, mọi lúc mọi nơi với chi phí thấp. Với sự phổ cập không ngừng của Internet cùng chiến lược kinh doanh kết hợp marketing tài tình, MoMo đã hợp tác với hơn 90% ngân hàng tại Việt Nam, được 31 triệu người dùng sử dụng, chiến 80% thị phần trong lĩnh vực tiền điện tử. MoMo cung cấp dịch vụ tới người tiêu dùng thông qua một ứng dụng đơn giản trên điện thoại thông minh với hơn 100 dịch vụ tiện lợi, bao gồm chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thu tiền… Để có thể sử dụng dịch vụ của Momo, Khách hàng chỉ cần lực chọn các tiện ích cần sử dụng và thao tác trên màn hình điện thoại là đã có thể thực hiện được giao dịch. Hiện nay, ngoài các dịch vụ tài chính, thanh toán, MoMo còn giúp người dùng có thể thực hiện được các chương trình đóng góp từ thiện ý nghĩa ngay trên điện thoại di động giúp kết nối người dân trên mọi miền đất nước.
MoMo đang phấn đấu mang đến nhiều trải nghiệm tốt nhất cho mọi Khách hàng, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại các thị trường đang phát triển như Kenya, Philippines, Bangladesh nơi các dịch vụ tài chính online chưa được phổ biến rộng rãi và đáp ứng được nhu cầu của người dân.
・Tầm nhìn
Tầm nhìn của ví điện tử MoMo là mong muốn nâng cao chất lược cuộc sống của người dân Việt bằng dịch vụ tài chính trên thiết bị di động.
・Sứ mệnh
Sứ mệnh của ví điện tử MoMo là “trở thành đối tác tài chính của mọi người dân Việt Nam” theo CEO Phạm Đức Thành của MoMo.
・Giá trị
Giá trị cốt lõi của MoMo bao gồm bốn yếu tố: “tinh thần đồng đội”, “đổi mới sáng tạo”, “học hỏi không ngừng”, “thực thi xuất sắc”. MoMo là một tổ chức có cơ cấu chuyển động rất nhanh nên bốn giá trị cốt lõi của MoMo cũng không ngừng được áp dụng nhuần nhuyễn trong hoạt động kinh doanh hàng ngày.
・Lịch sử hình thành
Lịch sử hình thành của Momo được tóm tắt như dưới đây:
- MoMo được ra đời vào năm 2007 với mô hình hệ sinh thái thanh toán điện tử tương tự như WeChat.
- Năm 2010, WeChat hợp tác với Vinaphone cùng các hệ thống ngân hàng tại Việt Nam cho phép các thuê bao di động thực hiện dịch vụ thanh toán ngay trên thiết bị di động.
- Năm 2013, MoMo được vinh danh là sản phẩm dịch vụ di động tốt nhất của năm 2013 cho các giải pháp dịch vụ thanh toán di động. Cùng năm đó, MoMo cũng nhận khoản đầu tư 5.75 triệu USD từ ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs
- Năm 2014, MoMo cho phép người dùng tải ứng dụng thông qua nền tảng Android và sau đó là App Store của iOS và Windows Phone.
- Năm 2015, MoMo chính thức được Ngân hàng nhà nước Việt Nam cấp phép, đảm bảo tiền trong ví điện tử là tiện thật và có thể được lưu thông sử dụng.
- Năm 2016, đây là một năm đầy sự đổi mới đối với MoMo khi quỹ Standard Chartered Private Equity và Goldman Sachs đã chi 28 triệu đô la đầu tư cho MoMo và sau đó, MoMo cũng được cấp giấy chứng nhận bảo mật quốc tế PCI DSS cấp độ “nhà cung cấp dịch vụ” dành cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan đến thanh toán điện tử.
- Năm 2017 tới năm 2019, MoMo không ngừng mở rộng hợp tác và ký thỏa thuận với nhiều thương hiệu và dịch vụ như tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt, công ty đường sắt Việt Nam, bệnh viện đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh… cùng với đó là dịch vụ thanh toán trò chơi và ứng dụng trên App Store.
- Năm 2019, MoMo trở thành một trong bốn hình thức thanh toán chính trên cổng dịch vụ công Việt Nam, hợp tác với các Cục và Bộ ban ngành liên quan để triển khai cổng thanh toán quốc gia.
- Năm 2020 tới năm 2021, MoMo đón nhận khách hàng thứ 31 triệu, hướng tới việc cung cấp dịch vụ ví điện tử 24/7 cho người dùng.
Xem thêm bài viết liên quan:
Chiến lược marketing của TPBank – Thế kỷ ngân hàng số
2. Phân tích thị trường, môi trường vĩ mô PEST của Momo
Phân tích yếu tố vĩ mô của Momo với bốn yếu tố PEST được đề cập như dưới đây:
・Về mặt xã hội
Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật, thanh toán không sử dụng tiền mặt (cashless payment) đã trở thành một phương tiện thanh toán được áp dụng ở nhiều quốc gia và thị trường trên thế giới. Việc sử dụng và thanh toán không sử dụng bằng tiền mặt giúp gia tăng tính bảo mật và độ an toàn cho người tiêu dùng, đặc biệt là các giao dịch có giá trị lớn. Vậy nên về mặt xã hội, MoMo đang được tạo nhiều cơ hội phát triển tiềm năng từ các chính sách của chính phủ cộng với xu hướng của người dùng.
・Về mặt pháp luật
Việt Nam vẫn đang trên đà hoàn thiện các chính sách liên quan tới sử dụng tiền điện tử để thanh toán và lưu thông trong xã hội. Vậy nên việc thay đổi bất ngờ từ những chính sách và luật lệ của chính phủ có thể gây bất ngờ và ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của MoMo trong tương lai gần.
Hơn nữa, các giao dịch tài chính ở Việt Nam đều phải tuân theo những quy định bảo mật của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin truyền thông, hợp tác để phòng chống rửa tiền, chống khủng bố…
・Về mặt công nghệ
MoMo được hoạt động dựa trên công nghệ của công ty Utiba Mobility với bề dày kinh nghiệm triển khai phần mềm dịch vụ tài chính di động trên 30 quốc gia, đạt 12 tỷ giao dịch hàng năm. Max SIM được tích hợp sẵn trên menu giúp đảm bảo tính bảo mật và thuận tiện cho Khách hàng khi sử dụng.
・Về mặt văn hóa
Việt Nam là một thị trường đang phát triển với mức thu nhập không ngừng được gia tăng, tuy nhiên người dân vẫn giữ tâm lý dè chừng với tiền điện tử. Điều này xuất phát lớn từ nguyên nhân tâm lý “cầm tiền thật mới thật tay” tồn đọng rất lâu trong suy nghĩ của người dân Việt. Đây được coi là một thách thức lớn của MoMo, một bài toán hóc búa và cần thời gian để giải quyết dần dần.
3. Phân tích đối thủ cạnh tranh của Momo
Tuy có tiềm năng phát triển mạnh với nhu cầu không ngừng gia tăng của người dân nhưng MoMo vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh không ngừng từ nhiều đối thủ trong nước như ZaloPay, Viettel Pay, Shopee Pay, Moca…
・Phân tích thị trường tiền điện tử
Dịch vụ ví tiền điện tử đã phát triển với tốc độ chóng mặt tại nhiều thị trường trên toàn cầu. Tuy nhiên đối với thị trường Việt Nam thì ví điện tử hay thanh toán online vẫn là một loại hình dịch vụ tương đối mới. Theo báo cáo thống kê từ Merchant Machine vào năm 2021, thì Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về số lượng người dân chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng, khoảng 69% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng. Đặc biệt là người dân ở các tỉnh lẻ, nông thôn và miền núi.
Việc có thể thanh toán thông qua thiết bị điện thoại mở ra một kênh gửi tiền đầy thuận tiện cho người dùng Việt khi người dân không có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn có thể tiếp cận được với các dịch vụ thanh toán. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với những người đi làm xa, muốn chuyển tiền cho người thân ở nhà mà không cần thông qua dịch vụ chuyển tiền đầy phức tạp của ngân hàng.
Trong tương lai, số lượng người dân sử dụng thanh toán trực tuyến sẽ tiếp tục tăng, kể cả dịch vụ ngân hàng online và ví điện tử. Tại Việt Nam, số lượng người dùng chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang các hình thức thanh toán phi tiền mặt đã tăng lên trong sáu năm gần đây. Trong đó MoMo, Shopee Pay và Zalo Pay là ba dịch vụ thanh toán điện tử phổ biến nhất tại thị trường Việt Nam.
・Đối thủ cạnh tranh của Momo
Đối thủ cạnh tranh của MoMo bao gồm bốn thương hiệu chính: ZaloPay (thị phần 64%), Viettel Pay (45%), Shopee Pay (48%), Moca (20%)…
1/ ZaloPay
ZaloPay là nền tảng ví điện tử và hệ thống thanh toán trực tuyến với hình thức thanh toán trong nền tảng ứng dụng hoặc quét mã QR. ZaloPay được đánh giá là một trong những đối thủ lớn nhất của MoMo với hơn 269 đơn vị hợp tác chiến lược, cho phép người dùng thực hiện giao dịch bằng điện thoại, máy tính bảng trên nền tảng Android và iOS. Để có thể thu hút nhiều khách hàng mới, ZaloPay không ngừng chi đậm cho công tác quảng cáo và tiếp thị. Cho tới nay, ZaloPay được biết tới là top 5 ví điện tử được tin dùng tại Việt Nam.
2/ Viettel Pay
Viettel Pay là ứng dụng thanh toán được tải về nhiều thứ hai tại Việt Nam sau MoMo. Với ưu thế kết nối mạng với Viettel Post, Viettel Pay hướng tới tới việc cung cấp dịch vụ giúp người dùng thanh toán nhanh chóng, an toàn và tiện lợi trên điện thoại.
3/ Shopee Pay
Một đối thủ khác của MoMo là Shopee Pay, ứng dụng ví điện tử được phát triển bởi SEA Group, nằm trong hệ sinh thái của Shopee.
Shopee Pay có hợp tác với nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam như Vietcombank, Techcombank, BIDC, VietinBank, MSB… Khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán của Shopee Pay có thể liên kết với Shopee để thanh toán được tiện lợi hơn, ngay tại trên ứng dụng điện thoại.
4/ Moca
Moca là ví điện tử trên ứng dụng Grab, hình thức ví điện tử mới nhất được thiết kế cho người sử dụng Grab tại Việt Nam. Moca là sự hợp tác của Grab và Moca – một trong những ứng dụng thanh toán trên thiết bị điện thoại hàng đầu tại Việt Nam. Moca và ZaloPay được sử dụng nhiều nhất để chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ …
4. Thị trường mục tiêu của Momo
Thị trường/Khách hàng mục tiêu của MoMo bao gồm khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Đối với Khách hàng Doanh nghiệp, MoMo hiện đang là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cho hơn 100 đối tác và doanh nghiệp trên toàn quốc. Trong tương lai, MoMo vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò là một kênh thanh toán và bán hàng đa năng để hỗ trợ các doanh nghiệp trên cả nước phát triển.
Đối với Khách hàng cá nhân, thị trường mục tiêu của MoMo bao gồm cả thành thị và nông thôn. Khách hàng ở nông thôn thường sử dụng dịch vụ của MoMo thông qua các điểm giao dịch còn tại thành thị thì chủ yếu qua điện thoại di động.
Xem thêm bài viết liên quan:
Chiến lược marketing của ngân hàng Vietcombank
5. Phân tích ma trận SWOT của MoMo
・Điểm mạnh của MoMo
Điểm mạnh của MoMo trong phân tích ma trận SWOT bao gồm hệ thống ứng dụng tiện ích Super App, công nghệ thanh toán bảo mật, hệ thống giao dịch trên toàn quốc…
1/ MoMo có hơn 4000 điểm giao dịch trải khắp 45 tỉnh và thành phố, liên kết với hơn nhiều ngân hàng lớn trong đó ít nhất 11 ngân hàng là liên kết trực tiếp.
2/ MoMo hướng tới cung cấp siêu ứng dụng Super App cho người tiêu dùng, với hàng trăm loại dịch vụ trên một ứng dụng, là nền tảng tích hợp đa dịch vụ, cung cấp “tất cả trong một”
3/ MoMo là ứng dụng thanh toán di động đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam sử dụng công nghệ một lần chạm, công nghệ thanh toán bảo mật an toàn trên điện thoại thông minh. Ngoài ra, MoMo cũng được chứng nhận bảo mật xác thực hai lớp CPI DSS 2 factor Security.
4/ Ứng dụng MoMo cũng là một trong những ứng dụng ví điện tử đầu tiên tại Việt Nam cho phép Khách hàng được rút tiền từ bên ngoài.
・Điểm yếu của MoMo
1/ MoMo là ứng dụng thanh toán qua điện thoại di động nên cần sử dụng Internet để có thể thực hiện thao tác trên ứng dụng.
2/ MoMo chỉ có thể rút tiền tại một số điểm giao dịch nhất định.
・Cơ hội của MoMo
1/ Mạng lưới ngân hàng giao dịch của MoMo rất đa dạng và không ngừng được mở rộng. Điều này phù hợp cho tất cả mọi người sử dụng, dù có hay không có tài khoản ngân hàng.
2/ Thói quen thanh toán không sử dụng tiền mặt đã dần trở nên phổ biến trong đại bộ phận giới trẻ và sẽ tiếp tục mở rộng tới các phân khúc Khách hàng lớn tuổi trong tương lai.
・Thách thức của MoMo
1/ Một tiểu bộ phận người sử dụng vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt để thanh toán.
Thanh toán thông qua ứng dụng điện thoại di động có lẽ vẫn còn rất xa vời đối với người dân ở các vùng nông thôn, khó tiếp cận với công nghệ thông tin.
2/ Sự cạnh tranh không ngừng từ các thương hiệu ví điện tử khác vì thị trường Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng của các hình thức thanh toán không tiền mặt.
6. Chiến lược marketing mix của Momo
Chiến lược marketing mix của Momo được phân tích như dưới đây:
・Chiến lược sản phẩm của Momo
Chiến lược sản phẩm của MoMo nhắm tới việc trở thành một ứng dụng ví điện tử chuyển tiền thuận tiện số một tại Việt Nam. Thông qua ứng dụng MoMo, người dùng có thể sử dụng các dịch vụ liên quan tới tài chính, thanh toán hóa đơn mọi lúc mọi nơi với chi phí hợp lý.
Chiến lược sản phẩm của MoMo tập trung sự đa dạng trong loại hình dịch vụ như Chuyển tiền, Thanh toán hóa đơn, Nạp tiền điện thoại, Mua vé xem phim, game trực tuyến, Đặt vé máy bay, Mua sắm trực tuyến, Thanh toán offline tại các siêu thị lớn, Nạp và rút tiền từ tài khoản MoMo.
1/ Chuyển tiền và Nhận tiền
Các giao dịch liên quan tới chuyển tiền và nhận tiền thông qua ứng dụng MoMo đều miễn phí. Khách hàng khi sử dụng dịch vụ chỉ cần số điện thoại người nhận là đã có thể thực hiện được thao tác chuyển tiền.
Tài khoản MoMo có thể chuyển tiền tới 45 ngân hàng nội địa, giao dịch được thực hiện 24/7, bao gồm cả cuối tuần và nghỉ lễ.
2/ Nạp tiền điện thoại
Bằng ứng dụng MoMo, Khách hàng có thể mua và nạp tiền điện thoại của tất cả các nhà mạng tại Việt nam với chiết khấu ưu đãi lên tới 4%. Để sử dụng, Khách hàng có thể mua mã thẻ hoặc tải trực tiếp vào số điện thoại.
3/ Thanh toán hóa đơn
Các hóa đơn hàng tháng như điện, nước, Internet, truyền hình cáp, vay trả góp … tất cả đều có thể được thực hiện thông qua ứng dụng MoMo. Ngoài ra, Khách hàng có thể sử dụng ví MoMo để lưu lại hóa đơn, hoặc nhắc nợ mỗi khi tới kỳ hạn, quản lý chi tiêu hàng tháng.
4/ Thanh toán offline khi mua sắm
Với tinh thần thanh toán không dùng tiền mặt, với ứng dụng ví điện tử MoMo, người dùng có thể dễ dàng thực hiện các thao tác thanh toán thông qua mã QR tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị, hoặc các chuỗi cửa hàng ăn trên toàn quốc. Không chỉ thanh toán offline mà thanh toán trực tuyến trên Tiki, Lazada… cũng có thể được thực hiện thông qua MoMo.
Các ứng dụng tiện ích khác khi sử dụng MoMo chi tiết tại đây:
https://momo.vn/tin-tuc/hinh-anh-video/momo-la-gi-213
・Chiến lược giá cả của Momo
Chiến lược giá của MoMo được cung cấp dựa trên giá trị của dịch vụ mà thương hiệu cung cấp. Ngay từ đầu mới ra mắt, MoMo đã hoạt động dựa trên phương châm cung cấp dịch vụ với mức chi phí hợp lý cũng như hoàn toàn miễn phí nhiều tiện ích.
Hiện nay, khi sử dụng ví MoMo để chuyển tiền, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn dịch vụ… đều là miễn phí. MoMo cũng không có các điều kiện ngặt nghèo như yêu cầu số dư tối thiểu để duy trì và sử dụng dịch vụ hay phí thường niên… Vậy nên mọi khách hàng khi sử dụng dịch vụ của MoMo đều yên tâm không bị trừ phí một cách bất ngờ.
MoMo chỉ thu phí khi sử dụng các dịch vụ ngoài như nạp tiền từ thẻ quốc tế Visa/Master/ JCB hoặc rút tiền từ tài khoản MoMo về tài khoản ngân hàng từ giao dịch thứ 11 hoặc trên 30.000.000 đồng trong một tháng, và rút tiền từ tài khoản MoMo tại điểm nạp/rút MoMo.
MoMo cũng quan tâm tới người tiêu dùng ở cả thành thị và nông thôn để ai cũng có thể sử dụng dịch vụ ở mức giá phù hợp. Ngoài ra, MoMo cũng có những mức chiết khấu khác nhau cho Doanh nghiệp, tùy thuộc vào loại hình kinh doanh B2B hoặc B2C.
・Kênh phân phối của Momo
Kênh phân phối của MoMo được đánh giá rất là đa dạng bao gồm các kênh phân phối do MoMo quản lý như thông qua website của MoMo (momo.vn) hoặc các kênh phân phối ngang như liên kết với các doanh nghiệp ngân hàng, công ty điện nước, Internet, siêu thị, rạp chiếu phim…
Để có thể sử dụng ứng dụng của MoMo, khách hàng có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi, chỉ cần có kết nối với Internet. Các điểm giao dịch của MoMo như FPT Shop mở cửa từ 7:00 sáng đến 5:00 chiều. Còn tại các cửa hàng tiện lợi luôn mở cửa 24/7 để phục vụ nhu cầu giao dịch của Khách hàng.
Ngoài ra, thông tin của MoMo được chia sẻ rộng rãi trên nền tảng ứng dụng của MoMo, thông qua website chính thức, và nền tảng xã hội ….
・Chiến lược quảng cáo của Momo
Để có thể thực hiện chiến lược marketing của MoMo một cách hiệu quả, thương hiệu đã thực hiện một loạt các chiến dịch quảng cáo đa dạng, trên mọi phương tiện.
Đầu tiên là chiến lược quảng cáo với thông điệp “Cần chuyển tiền thì MoMo liền/Trong MoMo đều có hết”. Chiến lược được thực hiện với sự tham gia của hàng loạt người nổi tiếng, từ Facebooker, hot TikToker đến các ca sĩ trẻ đều đồng loạt háo hức tham gia vào vũ điệu “Chuyển tiền – MoMo liền” đầy vui tươi và năng động.
Sau đó MoMo cũng gắn tên thương hiệu vào nút chuyển tiền trên ứng dụng giao dịch của mình. Với logo “Chuyển tiền – MoMo liền”, MoMo đang có tham vọng muốn nhấn mạnh tên thương hiệu “MoMo” đi kèm với động từ “chuyển tiền” nhằm giúp người tiêu dùng có thể nhớ tới tên thương hiệu mỗi lần thực hiện hành động. Đây là một chiến lược marketing của MoMo được đánh giá là rất thông minh, bằng chứng là giới trẻ ngày nay đã sử dụng những cụm từ như “MoMo đi”, “MoMo nhé” trong giao tiếp hàng ngày.
Khác với các thương hiệu khác sử dụng gương mặt đại diện cho sản phẩm, MoMo không có bất kỳ một gương mặt đại diện nào nhưng trào lưu hát cover bài “Chuyển tiền – MoMo liền” đã có sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng trong làng nhạc Việt như Dương Hoàng Yến, Bùi Công Nam… Chính nhờ nước đi không đình đám nhưng lại có thể tạo được tiếng vang này mà MoMo đã trở thành thương hiệu được nhiều người sử dụng biết đến.
Marketing truyền miệng từ trước tới nay đã được sử dụng rộng rãi để người tiêu dùng có thể giới thiệu các dịch vụ mà mình tin dùng từ trước nay tới người thân. Với xuất phát điểm là sự tiện lợi, mức phí rẻ và chất lượng dịch vụ tốt, MoMo đã thành công trong việc quảng bá thương hiệu của mình thông qua phương thức marketing truyền miệng mà không tốn quá nhiều tiền. Khách hàng khi giới thiệu dịch vụ của MoMo tới bạn bè và người thân để đăng ký dịch vụ, MoMo sẽ có các khuyến mại hấp dẫn như bộ quà VIP đến 600.000 hay tiền mặt và những gói quà có giá trị bằng tiền mặt.
MoMo cũng sử dụng các loại hình marketing kỹ thuật số để quảng cáo cho thương hiệu. Một trong các cách tiếp cận sử dụng marketing kỹ thuật số mà MoMo sử dụng là thông qua fanpage trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram…
MoMo cũng có các hoạt động marketing ngoài trời như dán biển quảng cáo tại nơi công cộng, nơi có nhiều người qua lại… MoMo cũng có các hoạt động bán hàng diễn ra tại các siêu thị trung tâm thương mại lớn như Lotte Mart, Coop Mart. Tại đây, nhân viên của MoMo sẽ giới thiệu và hướng dẫn người dùng cài đặt và sử dụng ứng dụng MoMo. Đây là hoạt động truyền thông và bán hàng trực tiếp, thực sự có tác dụng với các khách hàng trung niên và lớn tuổi. Ngoài ra, MoMo cũng có các chiết khấu, chia hoa hồng cho các đại lý, tạp hóa và các cửa hàng là điểm giao dịch của MoMo.
Xem thêm các bài viết về chiến lược marketing tại link.
7. Lời kết
Chiến lược marketing của MoMo phân tích tất cả khía cạnh của quảng cáo và tiếp thị của ví tiền điện tử hàng đầu, được tin dùng tại Việt Nam hiện nay. Nhanh chóng, tiện lợi, chi phí sử dụng gần như miễn phí đối với tất cả giao dịch, MoMo đã và đang là sự lựa chọn số một của nhiều người dùng. Với các từ ngữ như “MoMo nhé”, “MoMo liền”… chúng ta có thể thấy rằng hiện nay, MoMo đã trở thành một hiện tượng của giới trẻ và trở thành một ứng dụng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Hy vọng MoMo sẽ tiếp tục phát triển lớn mạnh, trở thành siêu ứng dụng trong tương lai như thương hiệu đang nhắm tới.
※ Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn, nhiều tác giả khác nhau.